Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Qua thời gian, các phương thức và kĩ thuật thực hiện kinh doanh bảo hiểm ngày càng phát triển, việc người dân tham gia bảo hiểm ngày càng phổ biến. Trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, các bạn cần chú ý đến chế định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại Bộ luật dân sự và Luật kinh doanh bảo hiểm. Để hiểu rõ hơn về các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?

Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Hay nói cách khác Hợp đồng bảo hiểm là các thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm. Nội dung trong hợp đồng đều được sự đồng ý và nhất trí của cả hai bên, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người mua lẫn doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm

Thứ nhất, Hợp đồng bảo hiểm mang tính may rủi

Mối quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm mang tính chuyển dịch rủi ro. Sự chuyển dịch này chuyển từ người mua bảo hiểm sang bên nhận bảo hiểm. Nhờ các mối quan hệ bảo hiểm, bên mua bảo hiểm được đảm bảo về sự an toàn, kinh tế trong các trường hợp xuất hiện rủi ro về sức khỏe, tính mạng, tài sản.

Thứ hai, Hợp đồng bảo hiểm theo mẫu cố định

Các điều khoản có trong hợp đồng bảo hiểm được cơ quan pháp luật hoặc doanh nghiệp bảo hiểm quy định theo mẫu cố định. Bên mua bảo hiểm không có quyền đàm phán, sửa đổi các điều khoản này. Khi ký vào hợp đồng bảo hiểm đồng nghĩa với việc bên mua đồng ý các điều kiện thỏa thuận mà bên cung cấp bảo hiểm quy định. Bên mua bảo hiểm có quyền từ chối, không ký hợp đồng này.

Thứ ba, Hợp đồng bảo hiểm có tính chất song vụ

Điều này có nghĩa là: Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm đều có nghĩa vụ đối với nhau. Việc thực hiện nghĩa vụ này là trách nhiệm của các bên tham gia, nghĩa vụ của bên này chính là quyền lợi của bên kia và ngược lại. Cụ thể:

a. Quyền lợi và nghĩa vụ của bên được bảo hiểm:

  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích chi tiết, đầy đủ về các điều khoản có trong hợp đồng;
  • Yêu cầu được giữ bí mật các thông tin đã cung cấp;
  • Được cấp hợp đồng bảo hiểm đã giao kết;
  • Được bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thoả thuận;
  • Đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
  • Chuyển nhượng hợp đồng theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin yêu cầu cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;
  • Khi có sự thay đổi liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì phải thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Nộp phí bảo hiểm đầy đủ;
  • Thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra cho doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất.

b. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm:

  • Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận đã ký trong hợp đồng;
  • Yêu cầu bên được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đầy đủ, chính xác, trung thực;
  • Đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
  • Từ chối bồi thường khi có sự kiện xảy ra nhưng không nằm trong phạm vi trách nhiệm;
  • Yêu cầu bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đề phòng rủi ro, hạn chế tổn thất.
  • Giải thích rõ các điều khoản, quyền và nghĩa vụ cho bên mua.
  • Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi ký hợp đồng cho bên mua;
  • Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp phải trả tiền hoặc bồi thường kịp thời cho bên được bảo hiểm;
  • Khi từ chối trả tiền hoặc bồi thường: Phải giải thích rõ cho bên được bảo hiểm lý do tại sao bằng văn bản;
  • Phối hợp với bên mua để giải quyết yêu cầu bồi thường của người thứ ba khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra;
  • Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, Không xác định tính đền bù trong hợp đồng tại thời điểm giao kết trừ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết và có hiệu lực, các quan hệ bảo hiểm sẽ được hình thành. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc bồi thường cho bên được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

3. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:

– Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;

– Đối tượng bảo hiểm;

– Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;

– Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;

– Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

+  Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

+  Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

+ Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây: Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý; Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

– Thời hạn bảo hiểm;

– Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

– Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;

– Các quy định giải quyết tranh chấp;

– Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.

Ngoài những nội dung trên, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận.

– Hình thức hợp đồng bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

– Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

4. Các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Theo quy định tại điều 22 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2019, Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

– Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;

– Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;

– Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

– Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc không nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng có thể dẫn đến những vi phạm khiến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Vì vậy người tham gia bảo hiểm cần lưu ý tránh những trường hợp sau:

4.1 Không đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn

Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định, nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí đúng hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày, nhằm giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị tài chính. Trong quá trình gia hạn, hợp đồng bảo hiểm vẫn duy trì hiệu lực, tức là người mua được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu rủi ro xảy ra.

Tuy nhiên, nếu hết thời gian gia hạn mà người tham gia vẫn chưa đóng phí thì phát sinh hai trường hợp sau:

Một là, hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại, đồng nghĩa hợp đồng bị vô hiệu và người tham gia không được hoàn phí bảo hiểm đã đóng.

Hai là, khi hết thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm mà người tham gia vẫn chưa đóng phí và cũng không có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ khấu trừ từ các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút (nếu có) của hợp đồng. Từ đây phát sinh ra 3 trường hợp sau:

  • Trường hợp mức phí đóng cho một kỳ lớn hơn giá trị của các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút, khoản phí bảo hiểm còn thiếu sẽ tạm ứng tự động từ giá trị tiền mặt để trừ nợ (nếu có) của hợp đồng, khi đó hợp đồng tiếp tục có hiệu lực.
  • Nếu giá trị tiền mặt trừ nợ vẫn không đủ để thanh toán mức phí một kỳ bảo hiểm, lúc này hợp đồng sẽ tự động chuyển đổi sang định kỳ đóng phí ngắn hơn (nhưng tối thiểu là hàng tháng) để tiếp tục tạm ứng từ giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có).
  • Nếu giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có) không đủ đóng phí bảo hiểm hàng tháng, sau khi hết thời gian gia hạn đóng phí thì hợp đồng chính thức mất hiệu lực.

4.2 Cung cấp thông tin không trung thực

Trong quá trình tham gia bảo hiểm, nghĩa vụ kê khai thông tin chính xác và đầy đủ là vô cùng quan trọng. Đây là điều kiện để công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro, chấp nhận bồi thường quyền lợi cho người tham gia.

  • Nếu người mua cung cấp thông tin trung thực về tuổi tác, tình trạng sức khỏe và nghề nghiệp, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm tiến hành chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Nếu người mua cố ý khai báo sai sự thật nhằm trục lợi, khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền không bồi thường cho người tham gia, đồng thời vô hiệu hóa hợp đồng.

4.3 Khoản tiền tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị hợp đồng

Trường hợp tổng khoản tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị tiền mặt thì hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu. Lúc này, không có khoản phí nào phát sinh, cũng như không có quyền lợi bảo hiểm nào được bồi thường.

4.4 Nhờ người ký tên thay nhưng không có văn bản ủy quyền

Về cơ bản, người tham gia bảo hiểm/người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Nếu bạn được người tham gia bảo hiểm ủy quyền để điền thông tin và ký tên trên hợp đồng bảo hiểm thì bắt buộc trước đó, bạn phải nhận được ủy quyền bằng văn bản theo đúng quy định pháp luật.

Trường hợp không có văn bản ủy quyền thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Người tham gia không thể nhận được quyền lợi bảo hiểm nếu chẳng may rủi ro xảy ra.

4.5 Đại lý bảo hiểm không nộp phí cho doanh nghiệp bảo hiểm

Hiện nay, có tình trạng đại lý bảo hiểm thu phí bảo hiểm đầy đủ của khách hàng nhưng không nộp lại cho công ty bảo hiểm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng, gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của người tham gia, mà còn tổn hại đến uy tín và hình ảnh của công ty bảo hiểm. Để tránh trường hợp này xảy ra, người tham gia nên đọc kỹ toàn bộ điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời, không nên ủy thác mọi việc cho tư vấn viên mà hãy tự kiểm tra phí đóng, nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân.

5. Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu có thể khôi phục lại được không?

Theo luật Kinh doanh Bảo Hiểm, người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày hợp đồng bị vô hiệu hóa. Điều này nhằm duy trì quyền lợi bảo vệ cho người tham gia, cho đến khi đáo hạn hợp đồng.

Điều kiện khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Bản Quy tắc và Điều khoản của hợp đồng, bao gồm:

  • Người tham gia/người được bảo hiểm phải gửi yêu cầu khôi phục tính hiệu lực của hợp đồng bằng văn bản mẫu và chờ công ty bảo hiểm xem xét.
  • Thời điểm khôi phục hiệu lực hợp đồng phải trước ngày kết thúc hợp đồng.
  • Người được bảo hiểm phải cung cấp bằng chứng về tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều kiện được bảo hiểm theo quy định của công ty.
  • Thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm quá hạn (tính đến ngày công ty chấp thuận khôi phục hợp đồng), nợ chưa trả và mức lãi suất do doanh nghiệp bảo hiểm công bố.

Trên đây tư vấn của Phamlaw về các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)