Hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai

Hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai

Câu hỏi được gửi từ email: ephu.duong@…:

Gia đình tôi và gia đình Ông Nguyễn Văn A nhà hàng xóm có tranh chấp đất đai đã nhiều năm nay. Ngày 23 tháng 11 năm 2016 vừa qua gia đình tôi và ông Nguyễn Văn A đã lên xã để hòa giải về việc tranh chấp đất đai và đã có biên bản hòa giải thành. Vậy các luật sư cho tôi hỏi về hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai này của gia đình tôi và ông Nguyễn Văn A?

Rất trân trọng cám ơn các luật sư đã tư vấn!

Hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai
Hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai

Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với câu hỏi này chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Khi các bên có tranh chấp về đất đai, nhiều trường hợp các mâu thuẫn đất đai đã được giải quyết nhờ việc hòa giải tại địa phương. Bằng cách thức để các bên có mâu thuẫn gặp gỡ và nhận được sự giúp đỡ của các hòa giải viên, là những người có hiểu biết pháp luật hay có các thông tin liên quan đến các phần đất có tranh chấp, các bên trong vụ tranh chấp có thể sẽ hiểu hơn về quyền lợi của mình và sẽ cùng dàn xếp hay thương lượng để giải quyết vụ việc. Qua thời gian điều luật được triển khai áp dụng vào thực tiễn, không ai có thể phủ nhận ý nghĩa xã hội của việc hòa giải này bởi nó có tác động lớn đến quá trình giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở cấp cơ sở, góp phần làm giảm gánh nặng cho tòa án. Tuy nhiên, tranh chấp đất đai được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn trong trường hợp hòa giải thành vấn đề hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai tạo cơ sở cũng là một vấn đề còn bỏ ngỏ trong luật, Từ thực tiễn xét xử nhiều năm qua cho thấy, do chưa có văn bản hướng dẫn vì vậy dẫn đến nhiều cách giải quyết khác nhau đối với các trường hợp hòa giải thành tại cấp cơ sở. Cụ thể là:

  • Có quan điểm cho rằng: “các thỏa thuận các bên đạt được trong quá trình hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của các bên trong tranh chấp có giá trị bắt buộc các bên phải tuân thủ”. Khi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiến hành hòa giải thành thì các thỏa thuận đó sẽ phát sinh hiệu lực và có giá trị ràng buộc các bên phải thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc các bên không được quyền khởi kiện ra tòa nữa. Trường hợp các bên đạt được hòa giải thành song chưa thi hành thỏa thuận hay thực hiện 1 phần thỏa thuận thì tòa án thụ lý giải quyết song khi giải quyết phải lưu ý, cân nhắc đến kết quả đã thỏa thuận.
  • Tuy nhiên có ý kiến khác lại cho rằng, mặc dù các bên đã thỏa thuận và được Ủy ban nhân dẫn xã, phường, thị trấn ghi nhận thì các bên sau đó vẫn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về ranh giới đất tranh chấp, biên bản về sự thỏa thuận do cấp xã, phường, thị trấn được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền lấy làm cơ sở ra quyết định cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bên không có quyền khởi kiện ra tòa án, nếu các bên nộp đơn thì tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Quan điểm của luật sư cho rằng, bản thân quy định Điều 202 Luật Đất đai 2013 chỉ đưa ra vấn đề hòa giải tại cấp cơ sở với tính chất là một thủ tục tiền tố tụng nhằm tạo điều kiện cho các bên đạt được thỏa thuận mà không coi thỏa thuận này là thủ tục cuối cùng. Mặc khác, cũng không có quy định nào của pháp luật xác định giá trị pháp lý ràng buộc về hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tại cấp cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chỉ có thể thực hiện việc hòa giải như một thủ tục tiền tố tụng mà không thể thay thế việc giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án. Cần thiết phải hiểu thống nhất rằng khi các bên đương sự đã thực hiện thủ tục hòa giải tại cấp cơ sở, trong mọi trường hợp khi không đạt được thỏa thuận thì các bên đều có thể được quyền khởi kiện tại tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Do vậy, việc các bên có thỏa thuận tại Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn không thể làm mất quyền khởi kiện ra tòa án của các bên. Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các bên đương sự phụ thuộc vào việc xem xét và đánh giá các chứng cứ do các bên xuất trình và các chứng cứ khác được thu thập theo trình tự do luật định. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự theo một trình tự, thủ tục, do Bộ luật tố tụng dân sự quy định để đảm bảo sự thỏa thuận đó có hiệu lực thi hành.

Như vậy, biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai chỉ là một trong những văn bản tiền tố tụng được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, các bên vẫn có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện khởi kiện ra tòa án nếu một trong các bên có yêu cầu.

Trên đây là câu trả lời của Luật sư với vấn đề bạn hỏi “Hiệu lực pháp lý của biên bản hòa giải thành tranh chấp đất đai” nếu còn vướng mắc hoặc muốn được tư vẫn, hỗ trợ những thông tin khác liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu của Phamlaw, chúng tôi luôn luôn hỗ trợ.

Trân trọng./.

———————————

Bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu – Phamlaw

Dịch vụ của Phamlaw

 

Rate this post