Ly thân theo quy định pháp luật hiện hành
Ly thân là gì?
Trong quy định pháp luật về hôn nhân gia đình hiện nay không có quy định cụ thể về ly thân là gì, điều kiện hay thủ tục ly thân.
Đây chỉ là cách nói thông thường khi các cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân và chọn cách không sống chung với nhau, nhưng chưa thực hiện các thủ tục ly hôn.
Ly thân có làm chấm dứt quan hệ vợ chồng không?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3, khoản 1 Điều 57, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ:
– Ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
– Thời điểm vợ hoặc chồng chết.
– Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, việc ly thân hiện nay không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Khi ly thân, vợ chồng vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.
Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các luật khác có liên quan.
– Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng: Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật Dân sự 2015 và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
– Tình nghĩa vợ chồng:
+. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
+ Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
– Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng: Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
– Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.
– Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
– Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
* Về tài sản chung của vợ chồng:
– Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
– Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
– Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Ly thân và ly hôn có điểm gì giống và khác nhau ?
Ly thân và ly hôn có nhiều điểm tương đồng, về biểu hiện của việc không còn chung sống với nhau, không có đời sống kinh tế chung, không có đời sống tinh thần chung, con cái cũng chia nhau nuôi… Nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm khác biệt, phân biệt với ly hôn, cụ thể như sau:
Điểm giống nhau:
Căn cứ ly thân và ly hôn: Về cơ bản, căn cứ để có thể đi đến quyết định ly thân của hai vợ chồng đều giống với căn cứ để ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng làm cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên xét về mức độ trầm trọng thì chưa đến mức để đôi bên phải ly hôn.
Về mặt tình cảm của hai vợ chồng: Cả hai trường hợp này xét về mặt tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã không còn mặn nồng với cuộc hôn nhân, đã đến mức không còn muốn chung sống không còn tôn trọng nhau và không muốn sinh hoạt cùng nhau như cặp vợ chồng khác.
Điểm khác nhau:
Về mặt nhân thân: Ly thân không được pháp luật quy định, không được tòa án chấp thuận khi giải quyết đơn ky thân Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng như không sống chung hoặc sống chung nhưng không có đời sống kinh tế và không có đời sống tinh thần chung hoặc không giao tiếp với nhau,…
Về mặt thủ tục: Do không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định một cách cụ thể giống như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, khi vợ chồng không còn muốn tiếp tục chung sống với nhau thì không cần phải viết đơn xin ly thân cũng như thực hiện thủ tục xin ly thân như khi yêu cầu giải quyết ly hôn và quan hệ hôn nhân giữa họ cũng không chấm dứt như khi giải quyết ly hôn.
Chia tài sản trong thời kì ly thân
Dưới góc độ pháp lý việc ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng nhưng nếu trong thời kì ly thân mà muốn chia tài sản thì pháp luật sẽ chia theo tài sản chung như khi ly hôn Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp:
– Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Việc chia tài nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ
Như vậy, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản nếu không thuộc các trường hợp không được phép chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân theo quy định của pháp luật. Nội dung của văn bản thỏa thuận bao gồm các thông tin cơ bản như: tên, tuổi, nơi ở của 2 vợ chồng, tài sản được chia, thỏa thuận chia, quyền và nghĩa vụ của các bên, thời điểm việc chia tài sản có hiệu lực, các thỏa thuận khác và phải có chữ ký của hai vợ chồng. Việc chia tài sản phải lập thành văn bản phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung, thì bên nguyên đơn có thể làm đơn yêu cầu phân chia tài sản chung gửi đến tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn đang cư trú để giải quyết việc phân chia tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc ở bất kỳ chỗ nào vui lòng kết nối đến số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được tư vấn luật nhanh chóng nhất!
Xem thêm: