Câu hỏi: Quy định về hợp đồng kinh doanh và dịch vụ bất động sản
Xin chào Luật sư,
Tôi đang có nhu cầu muốn quản lý khai thác lại bất động sản cho người khác (tức là bên B sẽ giao bất động sản cho bên tôi, bên tôi sẽ tiến hành quản lý và khai thác, ăn chia phần trăm (%) là 80/20). Tôi cho người nước ngoài thuê lại theo ngày. Nếu thế, giữa tôi và bên B cần phải làm hợp đồng gì ? Thủ tục ra sao? Bên công ty Phamlaw có dịch vụ soạn thảo hợp đồng kinh doanh bất động sản hay không ạ?
Cảm ơn Luật sư rất nhiều.
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Phamlaw.
Việc quản lý và khai thác bất động sản là một trong những nội dung kinh doanh bất động sản. Khi kinh doanh dịch vụ này, thì doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật đất đai nói chung, và cả pháp luật về kinh doanh bất động sản. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Thứ nhất, về hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản
Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, quản lý bất động sản là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động về quản lý, khai thác và định đoạt bất động sản theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng hoặc người có quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại điều 75 Luật kinh doanh bất động sản 2014, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản phải thành lập doanh nghiệp. Nội dung kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản gồm:
a) Bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng, người có quyền sử dụng đất;
b) Tổ chức thực hiện việc cung cấp các dịch vụ bảo đảm duy trì hoạt động bình thường của bất động sản;
c) Tổ chức thực hiện việc bảo trì, sửa chữa bất động sản;
d) Quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng bất động sản của khách hàng theo đúng hợp đồng;
đ) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với khách hàng, với Nhà nước theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng, người có quyền sử dụng đất.
Tại điều 61 Luật kinh doanh bất động sản 2014, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản gồm các loại sau: Hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản; Hợp đồng dịch vụ tư vấn bất động sản; Hợp đồng dịch vụ quản lý bất động sản. Các loại hợp đồng trên phải được lập thành văn bản, các bên thỏa thuận về việc công chứng, chứng thực hợp đồng.
Nội dung của hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có hợp đồng dịch vụ quản lý bất động sản theo khoản 4 điều 61 Luật kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
“4. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản do các bên thỏa thuận và phải có các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Đối tượng và nội dung dịch vụ;
c) Yêu cầu và kết quả dịch vụ;
d) Thời hạn thực hiện dịch vụ;
đ) Phí dịch vụ, thù lao, hoa hồng dịch vụ;
e) Phương thức, thời hạn thanh toán;
g) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
h) Giải quyết tranh chấp;
i) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”
Thứ hai, thủ tục khi giao kết hợp đồng
Việc giao kết hợp đồng được thực hiện theo các quy định của Bộ luật dân sự 2015, từ điều 386 đến điều 401, gồm các bước:
Bước 1: Đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng thể hiện ý định giao kết hợp đồng của một hoặc các bên trong quan hệ này. Thông thường, trong quá trình đề nghị giao kết, các bên cung cấp các thông tin để làm rõ đối tượng hợp đồng, cũng như thời hạn trả lời, yêu cầu các bên… Trong trường hợp bên được đề nghị chấp nhận, thì các bên ký kết hợp đồng
Bước 2: Ký kết hợp đồng
Quá trình ký kết hợp đồng, các bên thỏa thuận với nhau những nội dung trong hợp đồng như đối tượng hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán… Đối với hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản, các bên tự thỏa thuận với nhau về việc công chứng, chứng thực hợp đồng. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định là thời điểm do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng; hoặc thời điểm công chứng, chứng thực nếu hợp đồng có công chứng, chứng thực; nếu không thỏa thuận, mà hợp đồng không được công chứng thì thời điểm các bên ký kết hợp đồng là thời điểm có hiệu lực.
Bước 3: Thực hiện hợp đồng
Các bên thực hiện hợp đồng như đã thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu các bên xảy ra tranh chấp thì sẽ ưu tiên giải quyết bằng hình thức giải quyết tranh chấp được nêu trong hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Hiện tại Phamlaw có các dịch vụ tư vấn và soạn thảo các loại hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản và các loại hợp đồng khác tùy theo loại hình giao dịch giữa các chủ thể.
Trên đây là những quan điểm của luật sư với những vấn đề pháp lý đối với Quy định về hợp đồng kinh doanh và dịch vụ bất động sản. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn về kinh doanh dịch vụ bất động sản; tư vấn về hợp đồng kinh doanh bất động sản…, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số Hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
——————————–
Bộ phận tư vấn thủ tục hành chính
> Xem thêm: