Quy định về cổ phần ưu đãi của công ty trong doanh nghiệp

Quy định về cổ phần ưu đãi của công ty trong doanh nghiệp

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi có một chút thắc mắc liên quan đến cổ phần của doanh nghiệp, mong được Quý luật sư giải đáp. Hiện nay tôi là cổ đông của một công ty cổ phần được thành lập từ năm 2015. Trong số cổ phần tôi sở hữu có cả cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Tuy nhiên thì tôi chưa hiểu rõ về mệnh giá của cổ phần ưu đãi. Bên cạnh đó thì nếu tôi không muốn có cổ phần ưu đãi nữa thì có thể chuyển số cổ phần ưu đãi đang sở hữu thành cổ phần phổ thông được không?

Kính mong được Quý luật sư tư vấn!

Trân trọng cảm ơn

(Câu hỏi được biên tập từ câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính hotline 1900 của Phamlaw)

Quy định về cổ phần ưu đãi của công ty trong doanh nghiệp
Quy định về cổ phần ưu đãi của công ty trong doanh nghiệp

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw. Về vướng mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn của mình qua bài viết dưới đây để Quý khách có thể tham khảo.

Về cơ bản, cổ phần trong công ty cổ phần có thể được chia thành hai loại, đó là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 thì: “Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.” Căn cứ theo quy định của Điều luật này thì mọi cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông hay cổ phần ưu đãi cùng loại thì có quyền và nghĩa vụ ngang nhau dựa trên số lượng loại cổ phần mà họ sở hữu. Cổ phần phổ thông có trong tất cả các công ty cổ phần, trong khi đó cổ phần ưu đãi có thể có hoặc không. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì công ty cổ phần được quyền phát hành các loại cổ phần ưu đãi sau:

– Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

– Cổ phần ưu đãi cổ tức;

– Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

– Cổ phần ưu đãi khác (do Điều lệ công ty quy định – theo khoản 2 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014)

*Quyền chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông

Tại khoản 6 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông”.  Như vậy Luật doanh nghiệp 2014 cho phép chuyển đổi bất kỳ cổ phần ưu đãi nào thành cổ phần phổ thông theo quyết định của đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên quyền này không thể áp dụng cho trường hợp ngược lại là chuyển đổi cổ phần phổ thông thành cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và loại cổ phần ưu đãi khác.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đại hội đồng cổ đông cũng có thể tự quyết định vấn đề chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông. Tại khoản 3 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định như sau: “Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông”. Đây chính là một ví dụ điển hình của trường hợp đại hội đồng cổ đông không thể tự quyết định chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông. Ở đây cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn này cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sang lập đương nhiên chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Đại hội đồng cổ đông không có quyền quyết định chuyển đổi từ cổ phần ưu đãi biểu quyết sang cổ phần phổ thông để tước đi quyền ưu đãi biểu quyết trong thời hạn 03 năm, trừ trường hợp việc chuyển đổi là do mong muốn của cổ đông và cổ đông đó có yêu cầu đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định chuyển đổi (theo Trương Nhật Quang – Pháp luật về doanh nghiệp). Vấn đề này cần được quy định rõ ràng trong điều lệ doanh nghiệp để bảo vệ quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập.

Tương tự như vậy, điều lệ doanh nghiệp có thể quy định quyền chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không thể bị thay đổi hoặc chỉ có thể thay đổi theo mong muốn của cổ đông sở hữu loại cổ phần này,. Quy định như vậy sẽ tránh được rủi ro mất quyền ưu đãi cổ tức và quyền ưu đãi hoàn lại của các cổ đông do quyết định của đại hội đồng cổ đông.

Trong các quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam thì chưa có sự quy định rõ ràng về tỷ lệ chuyển đổi từ cổ phần ưu đãi sang cổ phần phổ thông. Khi chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông có thể sử dụng tỷ lệ 1:1 dựa trên mệnh giá, vì cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi đều có chung mệnh giá là 10.000 đồng nên một cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông. Tuy nhiên thì tỷ lệ này có thể thay đổi dựa trên giá thị trường hay giá do các bên thỏa thuận tại thời điểm chuyển đổi.

*Mệnh giá cổ phần ưu đãi

Như đã nêu ở trên, mệnh giá của cổ phần ưu đãi cũng giống như mệnh giá của cổ phần phổ thông theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Cũng như cổ phần phổ thông, cố phần ưu đãi cũng phải có mệnh giá và theo thông lệ thị trường mệnh giá cổ phần ưu đãi là 10.000 đồng. Việc cả cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi có mệnh giá 10.000 đồng  như nhau dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi giả định là việc chuyển đổi giữa cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi luôn ở tỷ lệ 1:1. Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong trường hợp này, giá trị thị trường của cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi hoặc giá trị do các bên thỏa thuận mới liên quan đến việc xác định tỷ lệ chuyển đổi.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về những vướng mắc của Quý khách liên quan đến Quy định về cổ phần ưu đãi của công ty trong doanh nghiệp. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866.

—————————–

Phòng tư vấn pháp lý doanh nghiệp

 > Xem thêm:

 

 

Rate this post