Tội tài trợ khủng bố theo Bộ luật hình sự

Tội tài trợ khủng bố theo Bộ luật hình sự

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Linhnguyen….@gmail.com với nội dung như sau:

Theo như tôi được biết thì tội tài trợ khủng bố có mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm. Vậy tôi muốn hiểu rõ hơn về tội tài trợ khủng bố được quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự 2015? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013.

Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật hình sự.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tài trợ khủng bố là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống khủng bố năm 2013 thì “Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố”.

Vậy có thể hiểu tội tài trợ khủng bố là tội phạm nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật hình sự, là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Tai Tro Khung Bo Theo Bo Luat Hinh Su (1)
Tội tài trợ khủng bố theo Bộ luật hình sự

2. Tội tài trợ khủng bố theo Bộ luật hình sự

Ngày 25/10/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ- HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 300 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội tài trợ khủng bố. Nghị quyết gồm có 6 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2019.

Theo đó, việc xử lý hình sự đối với tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố phải tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, hướng dẫn của Nghị quyết này và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Căn cứ theo Điều 300 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì tội tài trợ khủng bố được quy định như sau:

“Điều 300. Tội tài trợ khủng bố

1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Thứ nhất, Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội tài trợ khủng bố tương tự như khách thể của tội khủng bố, đó là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của con người, tài sản của Nhà nước, của các tổ ngoại chức và công dân.

Thứ hai, Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản được thực hiện dưới các hình thức như tặng, cho, cho vay, cho mượn tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác bao gồm cả việc vận động, kêu gọi, hỗ trợ cung cấp tiền, tài sản cho tổ chức khủng bố hoặc cá nhân khủng bố. Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật vật đồng bộ và quyền tài sản.

Chú ý: Hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản chỉ cấu thành tội phạm này, nếu không nhằm giúp sức cho tổ chức khủng bố thực hiện hành vi khủng bố cụ thể. Nếu hành vi này nhằm giúp sức cho tổ chức khủng bố để chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện một hoặc một số vụ khủng bố cụ thể thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) hoặc tội khủng bố (Điều 299) với vai trò là đồng phạm, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành các tội phạm này. Nếu không biết trước, nhưng đã huy động, hỗ trợ tiền, tài sản để giúp cho cá nhân khủng bố bỏ trốn sau khi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm (Điều 389), nếu thoả mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Thứ ba, Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự; (khoản 1,2), pháp nhân thương mại đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích của hành vi tài trợ khủng bố không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

3. Phòng chống tội tài trợ khủng bố như thế nào?

Trong bối cảnh hoạt động tài trợ khủng bố có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ và đe dọa làm mất ổn định hệ thống tài chính, an ninh, chính trị, xã hội và cản trở sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, công tác phòng, chống tài trợ khủng bố (PCRT/TTKB) ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Đối với Việt Nam, phòng, chống tài trợ khủng bố không chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn vì sự nghiệp ổn định chính trị, phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với việc tăng cường hợp tác đa phương, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định song phương với các nước về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có khủng bố quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống tài trợ khủng bố. Việt Nam cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước để kiểm soát, ngăn chặn các nguồn tài trợ và các trang mạng Internet truyền bá tư tưởng khủng bố; phối hợp chặt chẽ trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến di trú; bảo đảm an ninh cộng đồng người nước ngoài trên lãnh thổ của nhau; tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về đấu tranh phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố.

Phamlaw hy vọng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)