Tóm tắt câu hỏi: Doanh nghiệp được xử lý kỷ luật sa thải người lao động khi nào?
Xin chào Luật sư PhamLaw! Tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Tôi là nhân viên công ty X, ngày 16/06/2021 tôi bất ngờ nhận được quyết định sa thải của công ty chỉ vì trước đó tôi và trưởng phòng có chuyện xích mích cãi vã, làm ảnh hưởng đến trật tự trên dưới trong công ty. Vậy Luật sư có thể cho tôi biết, công ty sa thải tôi như vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!
(Nội dung câu hỏi được biên tập từ câu hỏi do bạn có mail: vudung6688@… gửi đến Hòm thư tư vấn của Công ty Luật PhamLaw)
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hòm thư tư vấn của công ty Luật PhamLaw. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Lao động năm 2019.
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
2. Xử lý kỷ luật sa thải là gì?
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật lao động (BLLĐ) 2019 thì: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Có thể thấy, kỷ luật lao động – công cụ để duy trì nề nếp, trật tự trong nội bộ doanh nghiệp hướng đến mục tiêu duy trì hoạt động ổn định, bền vững và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có thể hiện nội dung liên quan đến “Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất’. Có ý nghĩa là “khuôn mẫu” do người sử dụng lao động thiết lập, vì vậy, người lao động phải tuân theo khuôn mẫu đó, trường hợp người lao động vi phạm, không tuân theo hoặc tuân theo không đúng/đủ kỷ luật lao động sẽ phải gánh chịu một hoặc một số hậu quả pháp lý nhất định.
Xử lý kỷ luật lao động là áp dụng hình thức trách nhiệm kỷ luật tương ứng đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật, theo quy định của pháp luật.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ lỗi của hành vi vi phạm, người lao động có thể bị áp dụng một trong ba hình thức xử lý kỷ luật sau:
(1) Khiển trách;
(2) Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;
(3) Cách chức;
(4) Sa thải.
Trong đó, sa thải là hình thức kỷ luật nặng nhất được áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm ở mức độ lỗi nặng, dẫn đến người sử dụng lao động thấy rằng không thể tiếp tục sử dụng người lao động và họ có quyền loại người lao động ra khỏi đơn vị bằng cách chấm dứt hợp đồng lao động. Dẫn đến hậu quả là người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như cuộc sống của họ.
Như vậy, xử lý kỷ luật sa thải là áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật, theo quy định của pháp luật dẫn đến người sử dụng lao động thấy rằng không thể tiếp tục sử dụng người lao động và họ có quyền loại người lao động ra khỏi đơn vị bằng cách chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải người lao động
Để bảo vệ người lao động, Bộ luật Lao đông 2019 quy định một chế tài riêng về việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Cụ thể, Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động chỉ được sa thải người lao động trong 04 trường hợp sau:
“1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng”.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật phải tuân theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn:
Do không trực tiếp tiếp xúc với hồ sơ vụ việc, nên dựa trên những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, nếu thực sự công ty X sa thải bạn chỉ vì bạn và trưởng phòng trước đó có xích mích, cãi cọ – không thuộc các trường hợp người lao động bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải được nêu tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 là trái với quy định của pháp luật.
Thứ hai, bạn có nêu rằng ngày 16/06/2021 bạn đột nhiên được phòng nhân sự đưa quyết định sa thải, trường hợp này công ty bạn đã ban hành quyết định sa thải trái với trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Bởi khi xử lý kỷ luật người lao động, doanh nghiệp phải tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật, và phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động và người lao động để thực hiện quyền tự bào chữa của mình. Tuy nhiên, công ty X đã sa thải bạn khi chưa tổ chức cuộc họp mà đã ra quyết định sa thải bạn là trái quy định của pháp luật.
Vì vậy, trong trường hợp này, công ty X đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, và bạn có thể giải quyết vấn đề với công ty X bằng các cách sau:
– Khiếu nại đề nghị hủy quyết định sa thải: Bạn có quyết định sa thải gửi đơn khiếu nại tới người sử dụng lao động.
– Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động: Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 thì tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Khởi kiện tại Tòa án: Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 thì bạn có quyền khởi kiện trực tiếp đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty X đặt trụ sở chính đối với tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
-Tố giác ra cơ quan công an: Thực hiện tố giác tội phạm tới cơ quan điều tra nếu hành vi sa thải trái pháp luật của người sử dụng lao động có dấu hiệu cấu thành Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Như vậy, khi bạn thấy mình bị xử lý kỷ luật không thỏa đáng, trái pháp luật thì bạn có thể khiếu nại hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Doanh nghiệp được xử lý kỷ luật sa thải người lao động khi nào? Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 19006284 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.
> Xem thêm:
- Các điều kiện để sa thải người lao động hợp pháp
- Trách nhiệm hình sự của chủ doanh nghiệp sa thải người lao động trái pháp luật