Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công mới nhất

Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công mới nhất

Ngày 02/06/2020 Ủy ban thường vụ Quốc hội có ban hành Nghị quyết số  954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, theo đó có sự thay đổi trong mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ đối với người phụ thuộc. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Tinh Thue Thu Nhap Ca Nhan Tu Tien Luong Tien Cong Moi Nhat
Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công mới nhất

Cách tính thu nhập cá nhân của người cư trú và người không cư trú là khác nhau. Cụ thể khác nhau tại thuế suất, nếu là cá nhân cư trú thì thuế suất sẽ phụ thuộc vào loại hợp đồng lao động (hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên: thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần, hợp đồng lao động dưới 03 tháng: thuế suất theo biểu thuế toàn phần). Còn thuế suất của cá nhân không cư trú là 20%.

Cách tính thuế cụ thể:

Tiền thuế thu nhập cá nhân= thu nhập tính thuế X thuế suất

Thu nhập tính thuế= Thu nhập chịu thuế – các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế= Tổng thu nhập – các khoản miễn thuế

Cụ thể các khoản được quy định như sau:

I. Thu nhập chịu thuế

Như đã nói ở trên: Thu nhập chịu thuế= Tổng thu nhập – các khoản miễn thuế. Vậy tổng thu nhập và các khoản miễn thuế được quy định như sau:

1. Tổng thu nhập

Tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công  được quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:

– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ, phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm…

– Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

– Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.

– Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây: Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Các khoản được miễm thuế

Điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định có khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công là: phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ.

Phần tiền này được xác định cụ thể bằng cách: tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ

Để được miễn theo đúng quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

II. Thu nhập tính thuế

Như đã nói ở trên, thu nhập tính thuế= thu nhập chịu thuế – các khoản giảm trừ. Cách tính thu nhập chịu thuế đã được phân tích bên trên, vậy nên phần này chỉ chú trọng phân tích các khoản giảm trừ.

Các khoản giám trừ bao gồm ba loại như sau:

1. Mức giảm trừ gia cảnh

Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012, 2014 có quy định về mức giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với đối tượng là cá nhân cư trú bao gồm mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế (9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm)) và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc (3,6 triệu đồng/tháng). Người phụ thuộc ở đây là:

– Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

– Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Bên cạnh đó, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Căn cứ vào điều này mà mới đây, ngày 02/06/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Theo đó có sự thay đổi về mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế (11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm)) và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng).

Vậy mức giảm trừ gia cảnh được tính theo các khoảng thời gian như sau:

Thời gianMức giảm trừ gia cảnh
Từ 01/01/2020 đến 30/06/2020– Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm).

– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Từ 01/07/2020 về sau– Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

2. Mức giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

Mức giảm trừ này bao gồm các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện.

Cụ thể:

– Về mức giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm sẽ tính theo tỷ lệ trích các khoản bảo hiểm vào lương của người lao động:

+ BHXH: 8%;

+ BHYT: 1.5%;

+ BHTN: 1%.

– Về các khoản đóng Quỹ hưu trí tự nguyện được xác định như sau: Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm).

3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Điều 20 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012, 2014 quy định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo bao gồm:

– Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa.

– Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

Để được giảm trừ các khoản này, tổ chức, cơ sở và các quỹ trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.

III. Thuế suất – Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công mới nhất

Thuế suất để tính thuế thu nhập cá nhân của từng đối tượng khác nhau lại có sự khác nhau:

– Cá nhân cư trú có hợp đồng lao động trên 03 tháng: áp dụng biểu thuế suất từng phần.

– Cá nhân cư trú có hợ đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không có hợp đồng lao động: lãi suất 10%.

– Cá nhân không cư trú: lãi suất 20%.

Biểu thuế suất từng phần được quy định như sau:

Bậc thuếPhần thu nhập tính thuế/năm
(triệu đồng)
Phần thu nhập tính thuế/tháng
(triệu đồng)
Thuế suất (%)
1Đến 60Đến 55
2Trên 60 đến 120Trên 5 đến 1010
3Trên 120 đến 216Trên 10 đến 1815
4Trên 216 đến 384Trên 18 đến 3220
5Trên 384 đến 624Trên 32 đến 5225
6Trên 624 đến 960Trên 52 đến 8030
7 Trên 960Trên 8035

Bên cạnh đó để thuận tiện cho việc tính toán, Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định phương pháp tính thuế rút gọn tại Phụ lục 01/PL-TNCN, cụ thể:

BậcThu nhập tính thuế /thángThuế suấtTính số thuế phải nộp
Cách 1Cách 2
1Đến 5 triệu đồng (trđ)5%0 trđ + 5% TNTT5% TNTT
2Trên 5 trđ đến 10 trđ10%0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ10% TNTT – 0,25 trđ
3Trên 10 trđ đến 18 trđ15%0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ15% TNTT – 0,75 trđ
4Trên 18 trđ đến 32 trđ20%1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ20% TNTT – 1,65 trđ
5Trên 32 trđ đến 52 trđ25%4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ25% TNTT – 3,25 trđ
6Trên 52 trđ đến 80 trđ30%9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ30 % TNTT – 5,85 trđ
7Trên 80 trđ35%18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ35% TNTT – 9,85 trđ

Trên đây là nội dung “Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công mới nhất” theo quy định mới nhất hiện hành.

Luật Phamlaw – Tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 1900 6284

Xem thêm: >>> Quy định Hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động mới

5/5 - (1 bình chọn)