Thành viên công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp mới

Thành viên công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp mới

Khi nhắc đến công ty hợp danh không thể không nhắc đến thành viên hợp danh. Vì đây là công ty đối nhân nên vai trò của các thành viên hợp danh là rất quan trọng. Để trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh, các cá nhân phải đáp ứng các điều kiện nhất định cả về nhân thân và tài sản. Để làm rõ hơn về thành viên này, Luật Phamlaw xin giới thiệu tới quý khách hàng bài viết dưới đây.

Thanh Vien Cong Ty Hop Danh Theo Luat Doanh Nghiep Moi
Thành viên công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp mới

1. Điều kiện trở thành thành viên hợp danh

Trong công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, những thành viên này là chủ sở hữu chung của công ty, cùng kinh doanh dưới một tên chung. Để trở thành thành viên hợp danh cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Thành viên hợp danh không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp. Các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020. Đây đều là những chủ thể bị hạn chế về một khía cạnh nào đó, có thể là hạ chế về nhận thức, hạn chế về quyền kinh doanh…
  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên hợp danh phải góp đủ, đúng hạn số vốn theo thỏa thuận. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
  • Thành viên hợp danh phải đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề, điều kiện này chỉ đặt ra khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong những ngành nghề yêu cầu điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do công ty hợp danh là công ty đối nhân nên khi thành viên hợp danh có chứng chỉ hành nghề thì sẽ tạo sự uy tín, đảm bảo cho đối tác, khách hàng.

2. Hạn chế quyền của thành viên hợp danh

Vì công ty hợp danh là công ty đối nhân nên yêu cầu về sự gắn kết của thành viên hợp danh với công ty là rất quan trọng vì vậy pháp luật đặt ra các trường hợp thành viên hợp danh bị hạn chế quyền, cụ thể tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Thứ nhất. Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Vì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty hợp danh nếu thành viên hợp danh này cũng làm chủ doanh nghiệp tư nhân nữa (tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp) thì sẽ gây ra nhiều hạn chế về tài sản, trách nhiệm của thành viên hợp danh này khi công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân cùng xảy ra vấn đề tài chính.

Thứ hai. Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Vì tính đối nhân nên thành viên hợp danh sẽ nhân danh công ty khi thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty.

Thứ ba. Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

3. Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh

Thành viên hợp danh sẽ bị chấm dứt tư cách khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Tự nguyện rút vốn khỏi công ty. Trong trường hợp này, thành viên hợp danh chỉ được rút vốn ra khi được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.
  • Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Lúc này thành viên hợp dnah không còn đủ năng lực, nhận thức để quản lý, điều hạn và nhân danh công ty thực hiện hoạt động kinh doanh mà đây là quyền nhân thân nên không thể chuyển giao hay ủy quyền cho ai thực hiện mà phải chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng.
  • Bị khai trừ khỏi công ty. Thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty trong trường hợp sau đây: Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai. Vi phạm quy định tại Điều 180 của Luật này. Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và thành viên khác. Không thực hiện đúng nghĩa vụ của thành viên hợp danh.
  • Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong trường hợp này thành viên hợp danh không thể trực tiếp thực hiện quản lý hoạt động của công ty nên phải chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của cá nhân đó.
  • Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên. Sau khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, nếu tên của thành viên đó đã được sử dụng thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì người đó hoặc người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Phamlaw đối với Thành viên công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp mới (Luật Doanh nghiệp 2020). Để được hỗ trợ tư vấn thêm, Quý khách hàng kết nối tổng đài tư vấn của chúng tôi. Để được hỗ trợ các dịch vụ Luật doanh nghiệp như: Tư vấn pháp lý thường xuyên, tư vấn hợp đồng, tư vấn quản lý, quản trị nội bộ doanh nghiệp, Quý khách hàng kết nối số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm: >>> Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020

——————–

Bộ phận tư vấn Luật Doanh nghiệp – Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)