LGBT và những quy định của pháp luật về LGBT

LGBT là gì? Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về LGBT?

LGBT là gì?

Cụm từ LGBT thường được sử dụng để chỉ các xu hướng giới tính của con người. Đây là một cụm từ viết tắt của các từ tiếng Anh gồm:

– Đồng tính nữ (Lesbian): Những người này về sinh học thì là phụ nữ bình thường nhưng họ bị thu hút về mặt tình yêu lẫn tình dục (xu hướng tình dục) với những người phụ nữ khác – người có cùng giới tính với mình.

– Đồng tính nam (Gay): Tương tự như đồng tính nữ, đồng tính nam là những nam giới có xu hướng tình dục thiên về những người mang cùng giới tính nam với mình. Bản chất họ vẫn là nam nhưng họ yêu và muốn quan hệ tình dục với những người khác cũng là nam.

– Song tính (Bisexual): Đây là những người có giới tính nam hoặc nữ bình thường nhưng họ lại bị thu hút, hấp dẫn bởi cả hai giới (cùng hoặc khác giới với họ). Hiểu một cách đơn giản, mặc kệ họ là nam hay nữ thì họ đều có thể yêu và quan hệ tình dục với cả nam và nữ.

– Chuyển giới (Transgender): Có thể hiểu, đây là thuật ngữ để chỉ một người về mặt sinh học thuộc giới tính này nhưng tâm lý lại nghĩ bản thân là người thuộc giới tính còn lại.

Hiểu một cách đơn giản, người chuyển giới là người đang có giới tính là nam hoặc nữ nhưng lại nghĩ bản thân mình thuộc giới tính nữ hoặc nam và đã phẫu thuật để chuyển sang giới tính mà họ mong muốn.

Lgbt Va Nhung Quy Dinh Phap Luat Ve Lgbt
LGBT và những quy định pháp luật về LGBT

Trước đây, những người thuộc cộng đồng LGBT phải chịu sự kỳ thị của xã hội do sự khác biệt về xu hướng tình dục của mình. Thậm chí, có nhiều nước còn coi đây là một căn bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng LGBT đã càng ngày càng lớn mạnh khi càng ngày càng nhiều người “dám” công khai xu hướng tình dục của mình trước người khác cũng như với sự phát triển của khoa học đã chứng minh LGBT là hoàn toàn bình thường.

Đặc biệt, đến ngày 17/5/1990, tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Và sau đó, ngày 17/5 đã chính thức trở thành ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng LGBT.

LGBT trong quy định của pháp luật Việt Nam

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ Luật Dân sự 2015 đã có những quy định riêng đối với những người thuộc cộng đồng LGBT. Cụ thể, Bộ luật đã ghi nhận điều khoản về việc thay đổi tên, chuyển đổi giới tính và việc có quyền xác định lại giới tính.

Theo đó, cá nhân sẽ có quyền yêu cầu cơ quan Nhà ước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên khi người đó đã xác định lại giới tính hoặc đã chuyển đổi giới tính. Và việc xác định lại giới tính cũng được pháp luật ghi nhận là một trong số những quyền của con người. Việc xác định lại giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Và sau khí xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính, cá nhân đó sẽ có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính mới theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật Việt Nam đang ngày càng có cái nhìn mở hơn đối với những người thuộc cộng đồng LGBT khi đã đưa các quy định liên quan đến quyền lợi của họ vào trong các quy định pháp luật. Điều này khiến cho họ không bị tự ti về giới tính của mình, làm cho họ cảm thấy không có sự khác biệt với mọi người, và quan trọng, họ sẽ được sống thật với bản thân mình. Nếu như trước đây, tỷ lệ những người công khai giới tính thứ ba của mình rất ít, thậm chí là không có, thì hiện nay, con số đó đã tăng lên khá nhiều. Điều đó cũng có nghĩa, mọi người đã không còn có ác cảm hay kỳ thị những người có giới tính thứ ba này. Và thậm chí, còn có những cuộc thi hoa hậu dành cho người chuyển giới được ra đời, tạo cơ hội để những người chuyển giới nói riêng hay cộng đồng LGBT nói chung có thể hòa nhập với xã hội, được mọi người công nhận nhiều hơn.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nếu như trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cấm kết hôn đồng giới, thì đến Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có sự thay đổi khi quy định về việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành không cấm những người cùng giới tính kết hôn với nhau, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa họ. Điều đó có nghĩa, nếu những người có cùng giới tính muốn kết hôn, họ sẽ không được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, không được cấp Giấy chứng nhận kết hôn, và đương nhiên, các quan hệ phát sinh từ việc kết hôn của những người cùng giới tính như về tài san, về việc ly hôn,… cũng sẽ không được pháp luật điều chỉnh. Việc kết hôn của những đối tượng này sẽ chỉ là kết hôn về mặt thực tế, còn về mặt pháp lý, cuộc hôn nhân này sẽ không tồn tại.

Với những người chuyển giới, họ vẫn sẽ có quyền được kết hôn với những người khác giới tính của mình, ví dụ: Anh A có giới tính nam, nhưng đã chuyển giới thành giới tính nữ, và sau khi chuyển giới, A sẽ có quyền đăng ký lại hộ tích và có quyền nhân thân để phù hợp với giới tính mới. Khi đó, A vẫn sẽ có quyền kết hôn với người giới tính nam, và nếu đủ các điều kiện kết hôn mà Luật quy định thì cuộc hôn nhân của A vẫn được công nhận là hợp pháp.

Tuy nhiên, đó cũng được coi là một dấu hiệu tích cực đối với những người đồng giới, khi pháp luật đang có những quy định rất mở đối với họ. Nhưng thực tế cũng rất khó để thay đổi các quy định liên quan đến người thuộc cộng đồng LGBT, bởi lẽ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với những mối quan hệ khác, từ đó phát sinh nhiều trường hợp mà pháp luật có thể không kiểm soát được.

Luật Nuôi con nuôi

Luật Nuôi con nuôi hiện hành quy định, một đứa trẻ chỉ được nhận làm con nuôi của một người độc thân hoặc của hai người là vợ chồng. Vợ chồng ở đây được hiểu là hai người đều thỏa mãn các điều kiện kết hôn mà Luật Hôn nhân gia đình quy định: về độ tuổi, sự tự nguyện, có năng lực hành vi, và phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những người đồng giới, do pháp luật chưa thừa nhận hôn nhân của họ, nên họ sẽ không được xem là vợ chồng hợp pháp, và sẽ không đủ điều kiện để nhận con nuôi theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu muốn nhận con nuôi, một trong hai người của cặp đôi đồng tính sẽ phải xin giấy xác nhận tình trạng độc thân và nhận nuôi con nuôi dưới hình thức là một người độc thân.

Trong trường hợp người chuyển giới đã thay đổi giới tính của mình, thì họ hoàn toàn có quyền thay đổi quyền nhân thân phù hợp với giới tính mới của mình. Và trường hợp này, họ có thể kết hôn với những người khác giới tính của mình, và trở thành cặp vợ chồng bình thường, hợp pháp theo quy định pháp luật, và đương nhiên khi đó, họ vẫn sẽ có quyền được nhận con nuôi.

Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

Luật Thi hành án Hình sự cũng đã có điều khoản đề cập đến vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT, cụ thể tại khoản 3 Điều 30 quy định:

3. Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.

Tuy nhiên, quy định này vẫn đang dừng lại ở cụm từ “có thể”, nên những người trong cộng đồng LGBT sẽ có thể được hoặc không được giam giữ riêng.

Như vậy, các quy định của pháp luật liên quan đến cộng đồng LGBT dù chưa được quy định đầy đủ ở tất cả các văn bản pháp luật, song, việc xuất hiện trong các quy định của một số quan hệ pháp luật như Dân sự, Hình sự, Hôn nhân và gia đình nêu trên đã tạo ra nhiều quy định mở hơn cho những người thuộc cộng đồng LGBT, giúp họ được sống đúng với chính mình và được mọi người công nhận.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)