Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

Tóm tắt câu hỏi: Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

Xin chào luật sư. Tôi có một vấn đề pháp lý rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư, cụ thể như sau: Tôi và người yêu hiện tại của tôi đều là gay, chúng tôi yêu nhau và có nguyện vọng đăng ký kết hôn để người yêu tôi có danh phận như  bao cặp vợ chồng bình thường khác. Thế nhưng, chúng tôi có đến UBND phường để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phường không cho, còn thể hiện thái độ dị nghị, dè bỉu cuộc hôn nhân đồng giới này. Tôi thực sự rất buồn. Là gay thì không thể có quyền được mưu cầu hạnh phúc ạ? Là gay thì không có quyền được cưới người mình yêu hay sao? Tôi có lên mạng để tìm hiểu về quy định hôn nhân đồng giới của luật hôn nhân và gia đình năm 2015. Nhưng đọc xong tôi vẫn chưa hiểu bản chất, ý nghĩa của câu: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Không thừa nhận là như thế nào ạ? Luật sư có thể làm rõ giúp tôi được không. Xin cảm ơn luật sư.

Người gửi: Nguyễn Văn M

Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới
Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của anh công ty Luật Phạm Law xin được tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp luật

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

2. Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

Hôn nhân theo quan niệm truyền thống ở tất cả các quốc gia là mối quan hệ tình cảm, sinh lý giữa một người đàn ông và một người đàn bà phát sinh trong quá trình chung sống với nhau và mối quan hệ này tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên. Thông thường, lễ cưới là sự kiện đánh dấu hôn nhân trên thực tế, còn đăng ký kết hôn là sự kiện pháp lý được Nhà nước công nhận. Như vậy, về mặt truyền thống, hôn nhân là sự chung sống giữa một người đàn ông – chồng và một người đàn bà – vợ (tức là mối quan hệ giữa hai người có giới tính sinh học tự nhiên khác nhau với mục đích tạo lập gia đình, sinh con để duy trì nòi giống – chức năng xã hội cơ bản của gia đình).

Tuy nhiên trong trào lưu dân chủ, tiến bộ thực tiễn hiện nay, song song với hôn nhân của những người khác giới thì hôn nhân của những người cùng giới ngày càng phổ biến và được ủng hộ, mở rộng. Bằng chứng là kể từ những năm 2000 trở đi, vấn đề hôn nhân cùng giới đã được nhiều nước nhìn nhận lại theo hướng ít khắt khe hơn, cởi mở hơn. Nhiều nước đã có những bước đi đột phá như: Hủy bỏ việc cấm, việc trừng phạt hôn nhân cùng giới và công nhận chính thức vấn đề xã hội này về mặt pháp lý; nhiều nước đang có những sự chuẩn bị về mặt pháp lý để xem xét lại có nên tiếp tục duy trì việc cấm đoán như trước kia hay không

Trước đây, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cấm kết hôn giữa những người cũng giới tính:

Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn

Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:

  1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
  2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
  3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
  4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
  5. Giữa những người cùng giới tính.”

Bởi lẽ, Một số người cho rằng hôn nhân đồng giới có thể làm suy thoái các giá trị đạo đức, thay đổi những chuẩn mực truyền thống của xã hội Việt Nam. Có ý kiến lại cho rằng hôn nhân đồng giới  sẽ làm suy thoái nòi giống và đi ngược lại những giá trị của cuộc sống. Cho nên vấn đề hôn nhân đồng giới cần phải được ngăn cấm. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam vẫn có những đám cưới giữa những người đồng tính được diễn ra trong sự hiếu kì, tò mò của đông đảo mọi người. Một số khác lặng lẽ sống bên nhau, chấp nhận việc không được tổ chức đám cưới để công khai tình yêu thật của mình vì pháp luật không cho phép.

Cho mãi đến Ngày 19/6/2014, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13, (còn gọi là Luật HN&GĐ năm 2014), thay thế cho Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Trong đó, Khoản 5 Điều 10 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính” đã bị bỏ ra khỏi Luật hôn nhân và gia đình 2014. Đây là kết quả của quá trình vận động và thảo luận xã hội trong suốt những vừa năm qua, dẫn đến việc các nhà làm luật đã nhìn nhận tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới.

Theo đó, luật hôn nhân và gia đình hiện hành không cấm những người cùng giới tính kết hôn nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới. Tức là, những người đồng giới có thể tổ chức lễ cưới chung sống với nhau trên thực tế nhưng không thể đi đăng ký kết hôn, không được cấp chứng nhận kết hôn, hay việc chung sống của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận, và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ như vợ chồng giữa họ. Họ sẽ không được pháp luật bảo vệ theo quan hệ vợ chồng khi có tranh chấp xảy ra. Với quy định như hiện tại thì quyền kết hôn của những người cùng giới đang ở tình trạng “vô thừa nhận”.

Như vậy, Về mặt quyền thực tế, không có gì thay đổi. Tuy nhiên về mặt tác động tới xã hội, hôn nhân cùng giới không còn bị coi là hành vi bị ngăn cấm hay gây nguy hại cho xã hội nữa, và tiến tới sẽ cần được thừa nhận trong tương lai. Điều này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm của những nhà làm luật, và chắc chắn nó có tác động đến quan điểm xã hội nói chung.

Có thể thấy được quá trình công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam vẫn là một con đường nhiều thử thách. Nhưng những điều luật mới trong quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã là một dấu hiệu tích cực tạo cơ hội cho những người đồng giới được chung sống với nhau. Đây được xem như là sự nhìn nhận bước đầu về hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta. Nó mở ra cho tất cả chúng ta hy vọng và động lực để hướng tới những điều hoàn thiện hơn trong tương lai.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Phạm Law về “Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới”. Nếu có thắc mắc hoặc vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Phạm Law để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Trân trọng./,

 

2.7/5 - (3 bình chọn)