Xử phạt khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Thưa Luật sư!
Theo như tôi tìm hiểu thì dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị khai tử từ ngày 01/01/2021. Liệu thông tin này có đúng không? Nếu doanh nghiệp cố ý kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì bị có bị xử phạt không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật đầu tư 2020
Văn bản hợp nhất 04/2022/VBHN-BCT
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là gì?
Đòi nợ thuê là một ngành dịch vụ đòi nợ, là việc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty thực hiện một hành vi đòi nợ con nợ theo yêu cầu của chủ nợ.
Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư 2020 (chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/012021). Theo đó, bổ sung ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vì vậy, đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Có được kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê không?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định về việc cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
Thứ nhất, Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật đầu tư 2020
Thứ hai, Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật đầu tư 2020
Thứ ba, Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật đầu tư 2020
Thứ tư, Kinh doanh mại dâm;
Thứ năm, Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
Thứ sáu, Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
Thứ bảy, Kinh doanh pháo nổ;
Thứ tám, Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021 kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được bổ sung vào mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
3. Xử phạt đối với hành vi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vẫn còn hoạt động trong lĩnh vực này thì sẽ bị pháp luật phạt xử phạm.
Theo quy định tại Điều 7 Văn bản hợp nhất 04/2022/VBHN-BCT quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
Thứ nhất, Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên
Thứ ba, Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên
Như đã phân tích ở trên, kể từ ngày 01/01/2021, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì có thể bị phạt nặng lên đến 160 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lợi ích vật chất bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
4. Biện pháp đòi nợ khi không sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê
Khi không còn dịch vụ đòi nợ thuê, người dân có thể đòi nợ khi con nợ không trả bằng cách tố giác tội phạm đến cơ quan công an có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Toà án.
4.1. Khởi kiện ra Toà án
Trước đây, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhiều người đã sử dụng dịch vụ này để đòi nợ từ các con nợ chây ỳ. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2021, theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH 14, dịch vụ này là một trong những dịch vụ bị pháp luật cấm đầu tư kinh doanh. Căn cứ tại khoản 5 Điều 77 Luật đầu tư 2020 nêu rõ: Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thủ tục gửi đơn khởi kiện đến Tòa án được thực hiện như sau:
Bước 1: Viết đơn khởi kiện và chuẩn bị hồ sơ.
Đơn khởi kiện đòi nợ phải có đầy đủ các nội dung như: Ngày, tháng, năm làm đơn; tên Tòa án nhận đơn; tên, nơi cư trú, làm việc của người cho vay, người đi vay; nội dung đòi nợ…Khi đó, người cho vay phải chuẩn bị các giấy tờ: Đơn khởi kiện; Bản sao hợp đồng vay, giấy vay… (nếu có); Bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân.
Bước 2: Nộp hồ sơ.
Người dân có thể nộp hồ sơ đến Tòa thông qua một trong ba cách: Nộp trực tiếp, gửi theo đường bưu điện, gửi trực tuyến đến Tòa án cấp huyện người vay tiền sinh sống, làm việc.
Bước 3: Tòa án thụ lý và giải quyết. Sau khi nhận đơn khởi kiện, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Tòa án sẽ yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó Tòa án sẽ là việc xem xét và đưa ra xét xử sơ thẩm …
Đối với phương án này, người đòi nợ cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, thời hiệu khởi kiện yêu giải quyết tranh chấp hợp đồng vay là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thứ hai, thời gian giải quyết tranh chấp có thể kéo dài qua các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, lúc này nếu phát hiện “con nợ” có dấu hiệu tẩu tán tài sản, khi khởi kiện tùy tình hình thực tế mà chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp sau:
– Kê biên tài sản đang tranh chấp.
– Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
– Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước.
– Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
– Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
4.2. Tố giác tội phạm đến cơ quan công an có thẩm quyền
Nếu bên vay có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, vay tiền sau đó bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ thì người cho vay cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay đồng thời giải quyết vấn đề trả nợ vay theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Bài viết trên đây là các thông tin liên quan đến việc xử phạt khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm: