Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự là một trong những quyền quan trọng và là một nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của pháp luật tố tụng dân sự. Đây được xem là một nguyên tắc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để hiểu rõ hơn về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là gì?

Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng để họ tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình trong quá trình tham gia tố tụng. Đây được xem là nguyên tắc có cội nguồn từ các nguyên tắc trong giao lưu dân sự. Trong đó các quan hệ dân sự được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng giữa các chủ thể. Theo đó đương sự có quyền tự do thể hiện ý chí của mình trong việc lựa chọn thực hiện các hành vi tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, quyết định các quyền, lợi ích của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm cho đương sự thực hiện được quyền tự định đoạt của họ trong TTDS.

2. Quy định pháp luật về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

Thứ nhất, Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Thứ hai, Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Khác với pháp luật tố tụng hình sự, mục đích trực tiếp của pháp luật tố tụng dân sự là bảo vệ lợi ích tư của các đương sự – chủ thể của các lợi ích, sẽ không có quy trình tố tụng dân sự, nếu như đương sự không tự mình quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, các chủ thể tiến hành tố tụng chỉ thực hiện các nhiệm vụ làm sáng tỏ vụ việc để giải quyết trên cơ sở pháp luật chứ không thay mặt cho đương sự quyết định những lợi ích của chính họ. Các đương sự có nhiều lựa chọn để quyết định dùng phương thức nào nhằm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Nếu họ lựa chọn Tòa án hoặc vụ việc chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án, thì sau khi đã quyết định khởi kiện hoặc yêu cầu theo thủ tục tố tụng dân sự, đương sự toàn quyền quyết định phạm vi khởi kiện hay yêu cầu đó, do đó, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trải đạo đức xã hội. Có nghĩa là đương sự chứ không phải ai khác có quyền tự định đoạt về số phận pháp lý của vụ việc dân sự. Đương sự có quyền dừng vụ kiện, rút yêu cầu, thay đổi yêu cầu, bổ sung yêu cầu, hòa giải với nhau bất cứ lúc nào, nếu như họ hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội. Tòa án có nhiệm vụ hướng dẫn và tạo điều kiện để bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.

3. Ý nghĩa của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự

Quyền tự định đoạt của đương sự là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự. Đây là khẳng định pháp luật đã ghi nhận và bảo đảm cho các đương sự có điều kiện tự quyết định quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự. Trách nhiệm thụ lý và giải quyết vụ việc theo yêu cầu.

Nguyên tắc này ngoài ý nghĩa là bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để xây dựng và thực hiện các quy phạm khác của pháp luật tố tụng dân sự thì nguyên tắc này còn mang những ý nghĩa riêng của nó:

Thứ nhất, việc Nhà nước thể chế hóa quyền tự định đoạt của đương sự là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự là sự khẳng định pháp luật thực sự đã ghi nhận và bảo đảm cho các đương sự có điều kiện bằng hành vi của mình quyết định quyền, lợi ích hợp pháp của họ và việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của chính mình.

Thứ hai, nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc xác định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tòa án chỉ tiến hành giải quyết vụ việc dân sự khi có yêu cầu của đương sự, điều đó đồng nghĩa với việc Tòa án sẽ không được xem xét và giải quyết vụ việc dân sự khi không có yêu cầu của đương sự. Quy định trên đã góp phần giúp Tòa án xác định được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chức năng xét xử.

Thứ ba, Việc quy định nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự càng khẳng định quan điểm nhất quán của nhà nước ta đó là đương sự được quyền tự do thể hiện ý chí của mình bằng việc tự mình lựa chọn các hành vi tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhờ đó mà các hoạt động xét xử đảm bảo được tính đúng đắn, khách quan và phát huy được vai trò của hoạt động này đối với việc ổn định trật tự kỷ cương xã hội.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự.. Để biết thêm các thông tin chi tiết về, Quý bạn đọc vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)