Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Chế độ sở hữu không chỉ là một yếu tố cơ bản xác lập nền tảng của một chế độ xã hội mà còn luôn luôn thể hiện bản chất của chế độ xã hội đó. Nếu chế độ sở hữu được thiết lập phù hợp với các quy luật khách quan thì nó sẽ tạo môi trường tốt, thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển; ngược lại nó sẽ kìm hãm nền kinh tế. Vậy chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Khái niệm về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Theo Từ điển tiếng Việt, quyền sở hữu được hiểu là “Quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình”. Dưới góc độ pháp lí, quyền sở hữu là “phạm trù pháp lí phản ánh các quan hệ sở hữu trong chế độ sở hữu nhất định…Tựu trung lại, quyền của chủ sở hữu bao gồm ba nhóm quyền: quyền chiếm hữu; quyền sử dụng; quyền định đoạt đối với đối tượng sở hữu. Khi các quan hệ sở hữu được thể chế thành luật pháp và cơ chế vận hành nhất định thì toàn bộ hệ thống pháp luật ấy cùng với toàn bộ cơ chế tổ chức vận hành hợp thành chế độ sở hữu: “Toàn bộ quan hệ sở hữu trong xã hội hợp thành chế độ sở hữu – nền tảng của xã hội tương ứng với mỗi phương thức sản xuất”.

Chế độ sở hữu toàn dân được hiểu là chế độ sở hữu gồm tổng thể các quy phạm pháp luật xác định chủ thể, khách thể, nội dung, phương thức thực hiện quyền sở hữu của toàn dân. Sở hữu toàn dân là hình thức cao nhất của sở hữu xã hội chủ nghĩa, trong đó các tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, các phương tiện và tài sản khác thuộc về nhà nước – người đại diện chính thức của nhân dân.

Do vậy, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm pháp lý gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu đất đai trong đó xác nhận, quy định và bảo vệ quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

2. Chủ thể quyền sở hữu toàn dân về đất đai

Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện quyền định đoạt đất đai. Hay nói cách khác, Nhà nước là chủ thể đại diện của quyền sở hữu toàn dân về đất đai. Quyền sở hữu đại diện của Nhà nước mang tính chất duy nhất và tuyệt đối.

– Tính duy nhất thể hiện, pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện. Điều này có nghĩa là đất đai luôn thuộc về chủ thể nhất định là Nhà nước và pháp luật không cho phép có bất kì một hành vi nào xâm phạm quyền định đoạt đất đai của Nhà nước

– Tính tuyệt đối thể hiện, toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi cả nước dù đã được giao hay chưa được giao cho bất kì tổ chức, cá nhân nào sử dụng đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí. Hơn nữa, dù đất đai do bất cứ ai sử dụng và sử dụng vào bất kì mục đích gì thì cũng đều phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, về mặt lý luận cũng cần có sự phân biệt giữa quyền của Nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai với quyền của Nhà nước với vai trò là người quản lí đất đai. Điều này có nghĩa là không nên đồng nhất khái niệm chủ thể quyền sở hữu toàn dân về đất đai với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai, như: Chính phủ; ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan tài nguyên và môi trường ở trung ương và địa phương. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai song các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai không phải là người đại diện chủ sở hữu. Các cơ quan này chỉ có trách nhiệm thực hiện các chức năng cụ thể, riêng biệt trong quản lý đất đai, nhằm thay mặt Nhà nước thống nhất quản lí và thực hiện các nội dung cụ thể của quyền sở hữu toàn dân về đất đai do pháp luật quy định.

Trong lĩnh vực đất đai, Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai cũng có những quyền năng nói trên đối với đất đai. Tuy nhiên, khác với người chủ sở hữu tài sản trong lĩnh vực dân sự, Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đất đai một cách tuyệt đối và không bị hạn chế. Điều này có nghĩa là Nhà nước có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và quyết định mọi vấn đề quan trọng về đất đai, bởi lẽ khác với các chủ thể của quyền sở hữu khác, Nhà nước là một chủ thể đặc biệt của quyền sở hữu toàn dân về đất đai: vừa là chủ thể của quyền sử dụng đất đai, vừa là một tổ chức chính trị – quyền lực tự mình quy định cho mình các quyền năng và cách thức thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Sự khác biệt này được tạo nên bởi tính đặc biệt của Nhà nước trong việc thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai và tính đặc biệt của đất đai với tư cách là một loại tài sản “đặc biệt”.

3. Khách thể của quyền sở hữu toàn dân về đất đai

Khách thể của quyền sở hữu toàn dân về đất đai là toàn bộ vốn đất đai nằm trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, hải đảo và lãnh hải.

Khoa học pháp lí nước ta quan niệm đất đai là khách thể đặc biệt của quyền sở hữu toàn dân về đất đai. Quan niệm này ra đời dựa trên những lập luận cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về nguồn gốc phát sinh: Đất đai là “tài sản” đặc biệt do thiên nhiên tạo ra, có trước khi con người xuất hiện trên trái đất. Nó được coi là tặng vật của thiên nhiên ban cho con người, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng đất và có trách nhiệm bồi bổ, cải tạo, bảo vệ đất đai để truyền lại cho các thế hệ tương lai. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, sự tác động của con người đối với đất đai chỉ làm tăng hoặc giảm độ màu mỡ của đất mà thôi, chứ không làm cho đất đai bị biến mất;

Thứ hai, đất đai thuộc nhóm tài nguyên hạn chế của quốc gia và có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội mà còn ảnh hưởng lớn đến lợi ích của Nhà nước. Chính vì vậy, nó chỉ là khách thể duy nhất của quyền sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Căn cứ vào mục đích sử dụng , đất đai được phân loại như sau:

– Nhóm đất nông nghiệp gồm các loại đất sau đây: i) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; ii) Đất trồng cây lâu năm; ii) Đất rừng sản xuất; iv) Đất rừng phòng hộ; v) Đất rừng đặc dụng; vi) Đất nuôi trồng thủy sản; vii) Đất làm muối; viii) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất đơn tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

– Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: i) Đất gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; ii) Đất xây dựng trụ sở cơ quan; iii) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; iv) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác; v) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; vi) Đất sử dụng vào mục đích…..

– Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.

4. Nội dung của quyền sở hữu toàn dân về đất đai

 4.1. Quyền chiếm hữu đất đai

Quyền chiếm hữu đất đai là quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai nắm giữ toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi cả nước.

Dưới góc độ pháp lí, quyền chiếm hữu đất đai có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ nó là cơ sở đầu tiên để xác lập quyền sử dụng và quyền định đoạt đất đai.

Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện quản lí thống nhất toàn bộ vốn đất đai nhưng Nhà nước lại không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng đất mà lại trao quyền chiếm hữu, sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài thông qua các hình thức giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Nhà nước không mất đi quyền chiếm hữu đất đai của mình, bởi vì Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu đất đai một cách gián tiếp thông qua các hoạt động vừa mang tính kĩ thuật, nghiệp vụ, vừa mang tính pháp lí như đo đạc, khảo sát, đánh giá và phân hạng đất để nắm được hiện trạng, sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước và từng địa phương; hệ thống hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính, sổ sách địa chính và các tài liệu về địa chính khác để nắm được sự phân bố đất đai, hiện trạng sử dụng đất ở các địa phương; hoạt động đăng ký quyền sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai để nắm được biến động đất đai qua các thời kì

Việc phân biệt giữa quyền chiếm hữu đất đai của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai với quyền chiếm hữu đất đai của người sử dụng đất dưới đây sẽ làm rõ hơn nhận định trên đây về việc Nhà nước không mất đi quyền chiếm hữu đất đai cho dù Nhà nước có thực hiện việc giao đất, cho thuê đất… cho người sử dụng đất sử dụng ổn định, lâu dài. Cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu đất đai trên cơ sở là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Còn người sử dụng đất thực hiện quyền chiếm hữu đất đai trên cơ sở quyền sử dụng đất của mình. Điều đó có nghĩa là họ chiếm hữu đất đai khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng. Hơn nữa, sự chiếm hữu đất đai này đi liền với yêu cầu bắt buộc phải sử dụng đất, nếu người sử dụng đất chiếm hữu đất đai mà không sử dụng đất, không được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho phép thì họ sẽ bị thu hồi đất (quyền chiếm hữu đất đai của họ bị chấm dứt). Mặt khác, quyền sử dụng đất của người sử dụng là quyền phái sinh (có sau). Tính phái sinh của quyền sử dụng đất thể hiện quyền này chỉ có thể phát sinh trên cơ sở được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.

Thứ hai, quyền chiếm hữu đất đai của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là vĩnh viễn, trọn vẹn. Tính vĩnh viễn thể hiện ở chỗ: Nhà nước không bao giờ mất đi quyền chiếm hữu đất đai của mình mặc dù đã giao hoặc chưa giao đất cho bất cứ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào sử dụng ổn định, lâu dài. Tính trọn vẹn thể hiện ở chỗ: Nhà nước chiếm hữu toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, hải đảo và vùng đất ngập nước thuộc khu vực lãnh hải. Còn người sử dụng đất chỉ được quyền chiếm hữu từng diện tích đất nhất định mà Nhà nước giao, cho thuê trong một khoảng thời gian nhất định và không được làm thay đổi mục đích sử dụng đất mà Nhà nước đã xác định rõ trong quyết định giao đất, cho thuê đất.

Thứ ba, nếu như quyền chiếm hữu đất đai của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là gián tiếp, mang tính khái quát thì quyền chiếm hữu đất đai của người sử dụng đất lại mang tính trực tiếp, cụ thể đối với từng mảnh đất nhất định được xác định rõ diện tích, thời hạn và mục đích sử dụng.

4.2. Quyền sử dụng đất đai

Quyền sử dụng đất là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Xét về khía cạnh kinh tế, quyền sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng vì nó làm thỏa mãn các nhu cầu và mang lại lợi ích vật chất cho các chủ sử dụng trong quá trình sử dụng đất.

Với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước không trực tiếp sử dụng đất mà giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài nhưng Nhà nước không mất đi quyền sử dụng đất đai của mình. Bởi vì, Nhà nước thực hiện quyền sử dụng đất bằng các hình thức chủ yếu sau được quy định như sau:

– Thông qua việc xây dựng, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phân định mục đích sử dụng cho từng loại đất cụ thể;

– Thông qua việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lí và sử dụng đất buộc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện trong quá trình sử dụng đất. Điều này có nghĩa là thông qua quá trình sử dụng đất của người sử dụng mà các ý tưởng sử dụng đất của Nhà nước sẽ trở thành hiện thực; đồng thời, người sử dụng đất trong quá trình sử dụng phải đóng góp một phần lợi ích mà họ thu được từ việc sử dụng đất đai dưới dạng những nghĩa vụ vật chất cho Nhà nước thông qua hình thức như nộp thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là nhà, đất, nộp lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ, nộp tiền sử dụng đất v.v..

Mặc dù quyền sử dụng đất của người sử dụng kể từ khi Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003, Luật đất đai năm 2013 được ban hành đã bao hàm cả quyền chuyển đổi; tặng cho; chuyển nhượng cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất; thế chấp và góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chúng ta cũng không nên đồng nhất giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất, bởi lẽ giữa chúng có sự khác nhau cả về nội dung và ý nghĩa, cụ thể:

– Quyền sở hữu đất đai là quyền ban đầu (có trước), còn quyền sử dụng đất của người sử dụng đất là quyền phái sinh (có sau) xuất hiện khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất hay công nhận quyền sử dụng đất.

– Quyền sở hữu đất đai là một loại quyền trọn vẹn, đầy đủ, còn quyền sử dụng đất của người sử dụng đất lại là một loại quyền không trọn vẹn, không đầy đủ. Tính không đầy đủ của quyền sử dụng đất của người sử dụng đất được thể hiện ở các khía cạnh cơ bản sau đây:

Thứ nhất, người sử dụng đất không có đủ tất cả các quyền năng như Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai;

Thứ hai, không phải bất cứ người nào có quyền sử dụng đất hợp pháp cũng có quyền chuyển đổi; tặng cho, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất; thế chấp và góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà pháp luật quy định (bao gồm 08 quyền năng của chuyển quyền sử dụng đất).

Ví dụ: Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì chỉ hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức mới có quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác. Còn các chủ thể sử dụng đất khác không được pháp luật cho hưởng quyền năng này (Điểm b khoản 1 Điều 179). Hoặc tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm chỉ có quyền bán, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê mà không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê (khoản 1 Điều 175). Như vậy, phạm vi chủ thể có đầy đủ các quyền này bị hạn chế.

Thứ ba, không phải đối với bất cứ đất nào người sử dụng cũng có đầy đủ các quyền năng trên đây. Về cơ bản, chỉ những người sử dụng đất theo hình thức giao đất trả tiền sử dụng đất và thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đó trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước mới được pháp luật cho hưởng đầy đủ các quyền năng về chuyển quyền sử dụng đất đai.

Giữa quyền sử dụng đất của Nhà nước với quyền sử dụng đất của người sử dụng cũng có sự khác nhau trên những khía cạnh cơ bản sau đây:

– Quyền sử dụng đất đai của Nhà nước phát sinh dựa trên cơ sở Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Vì vậy, quyền sử dụng đất này là vĩnh viễn, trọn vẹn và không bị hạn chế. Còn quyền sử dụng đất của người sử dụng đất xuất hiện khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất… và phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước. Vì vậy, quyền sử dụng đất của họ bị Nhà nước hạn chế bởi diện tích, thời hạn và mục đích sử dụng v.v..

– Nếu như quyền sử dụng đất của Nhà nước mang tính gián tiếp và trừu tượng thì ngược lại, quyền sử dụng đất của người sử dụng lại mang tính chất trực tiếp và cụ thể.

4.3. Quyền định đoạt đất đai

Quyền định đoạt đất đai là quyền quyết định số phận pháp lí của đất đai. Đây là quyền rất quan trọng và chỉ có Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai mới được thực hiện quyền định đoạt đất đai.

Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đất đai bằng các phương thức chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, thông qua các hành vi giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất nhằm thực hiện việc phân chia một cách hợp lí vốn đất đai đáp ứng các nhu cầu sử dụng đất của xã hội.

Thứ hai, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng của từng loại đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép thay đổi mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất không được tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất. Nếu họ có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất.

Thứ ba, Nhà nước quy định về hạn mức sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất nhằm đảm bảo cho việc sử dụng đất đai của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vừa có tính hợp lí và vừa mang tính ổn định, lâu dài.

Thứ tư, thông qua việc quyết định giá đất để Nhà nước thực hiện việc quản lý đất đai về mặt kinh tế. Điều này có nghĩa là giá đất là một công cụ để Nhà nước quản lý đất đai, điều chỉnh các quan hệ đất đai thông qua việc tác động, điều tiết, xử lí lợi ích kinh tế của các bên. Theo đó, bảng giá đất và giá đất cụ thể do Nhà nước xác định được sử dụng làm căn cứ để xác định các vấn đề tài chính về đất đai như: tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tiền bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai v.v..

Thứ năm, Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và có cơ chế để bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ này được thực hiện trên thực tế.

Thứ sáu, Nhà nước quyết định chính sách tài chính về đất đai nhằm thể hiện vai trò đất đai là nguồn lực, nguồn vốn to lớn để phát triển đất nước. Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi nhằm đảo bảo sự công bằng, bình đẳng trong sử dụng đất.

Thứ bảy, Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất nhằm điều tiết vấn đề đất đai để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Tóm lại, chỉ có Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu cho chế độ toàn dân về đất đai mới có quyền định đoạt đất đai. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp nhưng không có quyền định đoạt đất đại. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền định đoạt đất đai của Nhà nước thì sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà Nhà nước quyết định các biện pháp xử lí thích đáng, phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013.

Trên đây tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai? Nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (2 bình chọn)