Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng

Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó không chỉ đáp ứng được phần lớn nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế mà thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng còn tạo ra một phần lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng và chính yếu tố này lại trở thành động lực thúc đẩy các tổ chức tín dụng huy động vốn tạm thời nhàn rỗi trong nhân dân để mở rộng hoạt động cho vay. Tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ở các ngân hàng, hợp đồng tín dụng ngân hàng được sử dụng nhiều trong giao dịch với các đối tác của mình. Một khi lợi ích của một trong hai bên không đạt được sẽ dẫn đến mâu thuẫn, hai bên không thể đi đến thỏa thuận với nhau được thì lúc đó tranh chấp của các bên trong hợp đồng tín dụng sẽ được đưa ra giải quyết ở Tòa án. Vậy giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng là gì? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự 2015

Nghị quyết 42/2017/QH14

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tranh chấp hợp đồng tín dụng là gì?

Tranh chấp trong hợp đồng tín dụng phát sinh từ sự mâu thuẫn hay không thống nhất về quyền và nghĩa vụ hoặc lợi ích trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng của các bên tham gia. Một hợp đồng tín dụng chỉ được coi là có tranh chấp khi sự xung đột, bất đồng về quyền lợi giữa các bên đã được thể hiện ra bên ngoài thông qua những bằng chứng cụ thể và xác định được.

Như vậy, tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn, bất đồng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay là tổ chức tín dụng và bên vay. Đó là những tranh chấp về việc giải ngân, nợ gốc, nợ lãi, lãi suất, xử lý tài sản thế chấp…

2. Phân loại tranh chấp hợp đồng tín dụng

2.1 Tranh chấp do các bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng: 

Hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên cho vay khi hợp đồng tín dụng có hiệu lực, vì một lý do nào đó bên cho vay đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ giải ngân, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên vay.

Hành vi vi phạm nghĩa vụ trả gốc và lãi của bên vay. Sau một thời gian thực hiện hợp đồng phía khách hàng sử dụng vốn vay không hiệu quả nên dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ gốc và lãi. Đây là dạng tranh chấp xảy ra nhiều nhất trong các tranh chấp hợp đồng tín dụng.

2.2 Tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng tín dụng. 

Tranh chấp này trên thực tế tương đối đa dạng và phức tạp nhất là trong những trường hợp có yếu tố nước ngoài. Điều này gây không ít khó khăn cho cơ quan giải quyết tranh chấp. Trong quá trình ký kết hợp đồng tín dụng, việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn là một vấn đề quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Trên thực tế, nếu tổ chức tín dụng không xác định đúng tư cách chủ thể (đặc biệt là trường hợp khách hàng vay là tổ chức, doanh nghiệp) dẫn đến việc ký hợp đồng tín dụng với chủ thể không có thẩm quyền ký kết. Hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu gây thiệt hại nặng cho các tổ chức tín dụng.

2.3 Tranh chấp xảy ra từ việc thực hiện biện pháp bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản và xử lý tài sản bảo đảm. 

Chính bởi bản chất hợp đồng tín dụng mang tính rủi ro cao nên các tổ chức tín dụng coi bảo đảm tín dụng là nguồn thu nợ thứ hai khi nguồn thu nợ thứ nhất (các lưu chuyển tiền tệ) không thể thanh toán được nợ. Hiện nay, theo quy định của pháp luật có ba hình thức bảo đảm tín dụng là cầm cố, thế chấp, bảo đảm tài sản bằng bảo lãnh. Quá trình xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 21/2021/NĐ-CP Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng này xảy ra tương đối nhiều chủ yếu liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm. Khi thẩm định hồ sơ vay vốn, nếu như nhân viên tín dụng thẩm định không kỹ, kết quả thẩm định không chính xác dẫn đến chấp nhận những tài sản bảo đảm không đúng quy định của pháp luật khi thực hiện giao dịch bảo đảm thì sẽ dẫn đến những tranh chấp phát sinh khi tổ chức tín dụng về xử lý tài sản bảo đảm.

2.4 Tranh chấp về pháp luật giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. 

Nếu như khi ký kết hợp đồng tín dụng mà các bên đã không thoả thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cũng như luật áp dụng (nếu như có yếu tố nước ngoài) thì sau này có nhiều khả năng xảy ra việc tranh chấp về luật áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng.

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp tín dụng

Khi phát sinh vấn đề cần giải quyết đối với tranh chấp tín dụng, các bên đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết hiệu quả cũng như đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình, ít tốn kém thời gian và tiền bạc. Vì vậy, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng. Hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 317 Luật thương mại 2005 có các phương thức gồm: thương lượng, hòa giải, giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

3.1 Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các bên chủ động gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận về quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của mỗi bên.

Pháp luật về giải quyết tranh chấp không có quy định bắt buộc các bên phải tiến hành thương lượng. Tất cả đều phụ thuộc vào thiện chí tự giải quyết của các bên. Phương thức thương lượng rất được các chủ thể ưu tiên lựa chọn vì phương thức này không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không bị bó buộc bởi các quy định về quy trình tổ chức thương lượng, thành phần tham gia, thời gian và không tốn tiền bạc.

3.2 Hòa giải

Hòa giải là việc các bên tiến hành “thương lượng giải quyết tranh chấp” với sự hỗ trợ của người trung gian. Đây cũng được xem là phương thức giải quyết tranh chấp không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, được thực hiện hòan toàn dựa trên thiện chí của các bên.

So với việc lựa chọn phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp thì khi tiến hành hòa giải các bên được thỏa thuận lựa chọn ra một bên trung gian, độc lập, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết tranh chấp, đưa ra các lời khuyên về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Người trung gian có thể là cá nhân, tổ chức luật sư, …Ý kiến của người trung gian chỉ mang tính tham khảo. Phương thức hòa giải cũng được các bên lựa chọn vì thủ tục nhanh gọn, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, không làm mất uy tín của hai bên.

3.3 Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án

Khi các phương thức thương lượng, hòa giải không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn phương thức khởi kiện lên Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết.

Giải quyết bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết theo sự lựa chọn của chủ thể trong quải quyết tranh chấp. Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải tuân thủ theo Luật trọng tài thương mại 2010

Phương thức giải quyết bằng Tòa án là phương thức có sự tham gia của đại diện quyền lực nhà nước. Vì vậy quy trình giải quyết tranh chấp phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của nhà nước.

4. Hệ quả pháp lý khi phát sinh giải quyết tranh chấp

Trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay chỉ có thể đòi tiền người vay sau một thời gian nhất định nên thường dẫn đến rủi ro, chẳng hạn người vay không thanh toán hoặc thanh toán không đúng hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Vì những lý do này mà đa số những hợp đồng tín dụng được các tổ chức tín dụng soạn sẵn những quy định về các điều khoản giải quyết khi tranh chấp hợp đồng tín dụng xảy ra.

Việc xử lý vi phạm trong thời gian hiệu lực hợp đồng tín dụng khi một bên phát hiện bên kia vi phạm hợp đồng thì thông báo bằng văn bản cho bên kia yêu cầu khắc phục vi phạm đó. Hết thời hạn ghi trong thông báo mà bên vi phạm không khắc phục thì bên yêu cầu được quyền áp dụng biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra các bên có giải quyết bằng thương lượng bình đẳng giữa hai bên. Trường hợp không thương lượng được thì có thể đưa ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Phán quyết của Tòa án có hiệu lực bắt buộc đối với các bên theo quy định pháp luật hiện hành.

Đối với hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản thì theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 42/2017/QH14 tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luât; giá bán phù hợp với giá trị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn nợ gốc của khoản nợ. Và theo Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 Tổ chức tín dụng có quyền được thu giữ tài sản bảo đảm nếu bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm thu giữ chậm nhất 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng. Nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)