Thực tiễn huy động vốn trong công ty cổ phần
Vốn là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quyết định tới kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Do vậy, huy động vốn đối với công ty cổ phần là cơ sở cho hoạt động kinh doanh đồng thời là một trong những tiêu chí để xác định vị thế, phạm vi, quy mô cũng như năng lực cạnh tranh của CTCP trên thị trường kinh tế quốc tế. Với sự ra đời của Luật doanh nghiệp 2020, pháp luật về công ty cổ phần, trong đó có các quy định về vốn và các hình thức huy động vốn của CTCP đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của Luật doanh nghiệp 2020 cho thấy vẫn có sự chồng chéo chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, quy định chặt chẽ hơn nữa hệ thống pháp luật về huy động vốn trong CTCP nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp cũng như tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư đang và sẽ quan tâm đến hệ thống pháp luật doanh nghiệp Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về thực tiễn huy động vốn trong công ty cổ phần, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Thực trạng về việc huy động vốn trong công ty cổ phần
Hiện nay, Luật doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về các hình thức huy động vốn của CTCP như sau: Huy động vốn bằng việc phát hành chứng khoán, huy động vốn thông qua các hình thức tín dụng và các hình thức khác như (liên doanh, liên kết với CTCP khác, vay vốn các doanh nghiệp). Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều vướng mắc, bất cập như các quy định về CTCP còn chưa phù hợp với việc phát triển của thị trường chứng khoán, các chế tài chưa đủ mạnh để răn đe các công ty trong việc huy động vốn. Điều này ảnh hưởng đến vai trò tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, minh bạch cho các công ty trong tiến trình hội nhập. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ chỉ ra một số bất cập, hạn chế đối với việc huy động vốn trong công ty cổ phần:
Thứ nhất, về thời gian phát hành chứng khoán. Theo LDN 2020, CTCP được quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn mà không có quy định nào hạn chế việc phát hành chứng khoán huy động vốn của CTCP. Tuy nhiên, tại Luật chứng khoán quy định: Các đợt chào bán chứng khoán phải cách nhau ít nhất 6 tháng, được hiểu là công ty sẽ chỉ được thực hiện hai đợt chào bán cổ phần mỗi năm. Chính vì lẽ đó, luật chứng khoán đã gây cản trở cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Luật chứng khoán đã làm mất khả năng huy động vốn nhanh chóng và giảm đi lợi thế của CTCP mặc dù đây chính là lợi thế lớn nhất của mô hình CTCP.
Thứ hai, Nguồn vốn vay của CTCP từ tín dụng ngân hàng và tín dụng ngân hàng thương mại là chủ yếu. Nhược điểm của phương án này là chi phí vốn khá lớn (lãi suất cao), thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định dự án cho tới khi ký hợp đồng tín dụng và bắt đầu giải ngân có thể tới hàng năm, hoặc hơn, điều này làm lỡ nhiều cơ hội của nhà đầu tư. Thêm nữa, các điều kiện của ngân hàng đưa ra thường khá là ngặt nghèo, điều kiện cho vay thường là giảm thiểu tối đa rủi ro cho ngân hàng. Bù lại, chủ đầu tư không phải chia sẻ lợi nhuận thu được với bất kỳ ai, so với một vài phương án khác.
Thứ ba, về huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp thu được lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển doanh nghiệp. Hình thức này giúp doanh nghiệp tăng lượng vốn đối ứng để thực hiện các dự án có quy mô lớn, cũng như nâng cao khả năng vay vốn của doanh nghiệp. Với việc huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp không phải trả lại tiền gốc cũng như không bắt buộc phải trả cổ tức nếu làm ăn không hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu thường làm giảm khả năng kiểm soát của những người chủ sở hữu hiện tại đối với doanh nghiệp, do vậy chủ các doanh nghiệp nhỏ không muốn thực hiện công cụ này. Mức thuế của việc phát hành cổ phiếu tương đối cao, vì ngoài thuế công ty phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, các cổ đông còn phải chịu thuế thu nhập bổ sung từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, với môi trường kinh doanh hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, những nhược điểm trên hoàn toàn có khả năng khắc phục, hạn chế tối đa và đồng thời phát huy được những ưu điểm của loại hình này.
Thứ tư, Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là phương thức huy động vốn ưu việt cho những CTCP có dự án kinh doanh dài hạn, với mức lãi suất thích hợp nhỏ hơn lãi suất mà công ty phải đi vay ngân hàng, nhưng lại cao hơn mức lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng để thu hút nhà đầu tư. Điều này vừa có lợi cho công ty phát hành trái phiếu vừa có lợi cho nhà đầu tư tự do bỏ qua được các chi phí trung gian. Mặt khác, lợi thế nữa của việc phát hành trái phiếu là các cổ đông của công ty không phải chia sẻ quyền điều hành công ty cho người khác. Chi phí để có được vốn được giữ ở một mức độ nhất định, do đó tính toán được và so với cổ tức là một khoản không tính được nên huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu sẽ rẻ hơn so với việc phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng giống như cổ phiếu, các loại trái phiếu có lẽ vẫn chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư. Để tạo thêm hàng cho thị trường trái phiếu, pháp luật nên có những quy định về quyền phát hành các loại trái phiếu khác. Có thể đưa ra một số loại trái phiếu khác như: Trái phiếu không trả lãi, trái phiếu trả lãi theo thu nhập, trái phiếu trả lãi thả nổi, trái phiếu có quyền bán trước khi đáo hạn.
Thứ năm, thị trường trái phiếu ở Việt Nam hiện nay còn khá sơ khai, trái phiếu khó giao dịch mua bán cũng như chưa có cơ sở xác định lãi suất phát hành. Ngoài ra, độ an toàn của trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trong đó bao gồm cả trái phiếu do CTCP phát hành khó xác định do thiếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, còn tiềm ẩn những rủi ro về thanh khoản, về giảm giá trị hay doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn.
Thứ sáu, công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin còn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, các nhà đầu tư chưa thực sự hiểu hết những lợi ích khi mua cổ phiếu, trái phiếu của CTCP mang lại nên chưa khai thác tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Bên cạnh đó, nhiều CTCP còn chưa thực sự chú trọng đến hình ảnh thương hiệu, uy tín trên thương trường của mình để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thiếu tính chuyên nghiệp khi tiến hành các hoạt động liên doanh, liên kết hợp tác quốc tế.
2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về huy động vốn trong công ty cổ phần
Để hạn chế những vướng mắc, hạn chế về việc huy động vốn trong công ty cổ phần, sau đây là một số những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn của các công ty cổ phần ở nước ta hiện nay:
Một là, xác định rõ tầm quan trọng của thị trường chứng khoán. Trong đó, cần sử dụng thị trường trái phiếu doanh nghiệp để góp phần tránh được những rủi ro về kỳ hạn, giảm chi phí sử dụng vốn, giúp thị trường vốn cân đối với thị trường tiền tệ, giảm chi phí giao dịch…và tăng năng lực cạnh tranh của CTCP cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, cần sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tế, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn cho các Công ty cổ phần như việc phát hành cổ phần dưới mệnh giá, tách, gộp cổ phiếu…Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để giảm bớt thủ tục pháp lý đối với doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư, phát triển các đơn vị xếp hạng tín nhiệm để đánh giá chính xác, khách quan những rủi ro của phát hành cổ phiếu, trái phiếu nhằm xác định các mức lãi suất hợp lý tương ứng với mức độ rủi ro của từng loại chứng khoán.
Ba là, minh bạch hóa hệ thống thông tin và công bố thông tin để tạo sự đảm bảo cho doanh nghiệp, tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt nam. Từ đó, việc huy động vốn của DN nói chung và CTCP nói riêng sẽ tiến hành thuận lợi hơn. Nhất là việc các CTCP công bố các công ty về cổ phiếu, trái phiếu, thông tin tài chính của công ty để người dân tiếp cận, nắm bắt nhằm thu hút người dân đầu tư vào các CTCP và hạn chế được những rủi ro khi cho CTCP vay vốn
Bốn là, các CTCP đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động truyền thông, quảng cáo hình ảnh công ty nhằm tạo ra sự thuận lợi và lòng tin cho các nhà đầu tư, người dân tham gia vào các giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng như việc huy động vốn vay tại các tổ chức tín dụng, vay vốn của các doanh nghiệp khác…
Năm là, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu để tạo nguồn sản phẩm đa dạng cho thị trường nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về thực trạng huy động vốn trong công ty cổ phần hiện nay. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Thực tiễn huy động vốn trong công ty cổ phần – Luật Phamlaw
Xem thêm: