Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên

Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn là một trong những loại hình công ty phổ biến và được khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm loại hình cho công ty mình. Công ty TNHH có tư cách pháp nhân từ ngày có giấy phép hoạt động kinh doanh.

Để hiểu rõ hơn về chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và luật khác có liên quan. Dưới đây Luật Phamlaw sẽ hướng dẫn cụ thể theo quy định pháp luật mới nhất về chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên để quý khách hàng có thể tham khảo.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT

Các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm,…).

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Quy định pháp luật về chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên

Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp được các nhà đầu tư ưa chuộng bởi sự phù hợp với các nhà đầu tư có quy mô nhỏ và vừa, mong muốn toàn quyền chủ động trong các quyết định đối với công ty, đồng thời hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020.

Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định pháp luật.

2. Quyền của chủ sở hữu công ty

Theo quy định tại điều 76 Luật doanh nghiệp 2020 thì chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên có quyền sau đây:

Thứ nhất, đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức

  • Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  • Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
  • Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty;
  • Quyết định dự án đầu tư phát triển;Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
  • Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
  • Thông qua báo cáo tài chính của công ty;
  • Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
  • Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
  • Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
  • Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
  • Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
  • Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Thứ hai, đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân

  • Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  • Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
  • Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
  • Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
  • Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
  • Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

3. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên

  • Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.
  • Tuân thủ Điều lệ công ty.
  • Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
  • Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
  • Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
  • Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

4. Sự khác biệt về quyền của chủ sở hữu là tổ chức và cá nhân trong công ty TNHH 1 thành viên

Nếu như trước đây chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên là một tổ chức thì bây giờ pháp luật nước ta đã thừa nhận chủ sở hữu công ty là một cá nhân. Việc tạo ra chính sách nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Đảng và nhà nước ta đã tạo ra một pháp lý đa dạng, môi trường kinh doanh minh bạch để các nhà đầu tư là cá nhân dễ dàng thành lập công ty đúng với quy định của Luật doanh nghiệp. Chính sự thừa nhận này tạo ra ưu thế riêng cho công ty TNHH 1 thành viên do một cá nhân là chủ sở hữu so với loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Chủ sở hữu công ty phải thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình, chịu trách nhiệm nếu xảy ra thiệt hại công ty từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ sở hữu sẽ có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty như thay đổi Điều lệ, chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hằng năm, các dự án đầu tư hay các vấn đề quản trị nội bộ, công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Về cơ bản chủ sở hữu là tổ chức và chủ sở hữu là cá nhân đều có một số quyền giống nhau nhưng vẫn có sự khác biệt trong đó.

Chủ sở hữu là tổ chức có các quyền mà chủ sở hữu là cá nhân không có như sau:

  • Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty.
  • Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty.
  • Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ.
  • Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
  • Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
  • Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác.
  • Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty.

Lý do có sự khác nhau như trên đó là khi công ty TNHH một thành viên có tổ chức là chủ sở hữu thì tổ chức đó không thể trực tiếp quản lý công việc, điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty được mà phải tổ chức cơ cấu quản lý công ty gồm người đại diện pháp luật, các trưởng phòng của các phòng ban khác nhau.

Tổ chức là tập hợp các cá nhân, nhóm cá nhân với nhau có chung mục tiêu và lợi ích. Cho nên khi chủ sở hữu công ty là một tổ chức thì việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả như thể nào sẽ tác động lợi ích của nhiều người. Cho nên các vấn đề quan trọng khác mang tính phương hướng phát triển chung, mang tính lâu dài của công ty phải được quyết định bởi chủ sở hữu, cũng tức là quyết định của các cá nhân, nhóm cá nhân trong tổ chức.

Hy vọng những chia sẻ về quy định cụ thể về quyền của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên trên đây sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn thực hiện dịch vụ doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.

 

 

5/5 - (1 bình chọn)