Điểm hạn chế hoạt động môi giới thương mại theo Luật Thương mại

Điểm hạn chế hoạt động môi giới thương mại theo Luật Thương mại

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, kính mong được Quý luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề sau. Tôi có dự định hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới thương mại, mục đích là làm trung gian giữa các bên trong các giao dịch mua bán hay cung ứng dịch vụ. Vì vậy tôi có dự định thêm ngành nghề môi giới vào danh sách các ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty mình. Theo tôi được biết, hoạt động môi giới cũng là một hoạt động kinh doanh được pháp luật quản lý và điều chỉnh. Như vậy thì khi tôi hoạt động kinh doanh môi giới thương mại thì có gặp hạn chế gì trên phương diên pháp luật hay không? Tôi muốn được làm rõ vấn đề này rồi mới quyết định xem có nên bổ sung ngành nghề này vào những ngành nghề hoạt động kinh doanh của công ty. Chính vì thế nên kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi để doanh nghiệp tôi có thể tránh được những rủi ro sau này.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ cuộc gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật của Phamlaw, hotline 1900)

Điểm hạn chế hoạt động môi giới thương mại theo Luật Thương mại
Điểm hạn chế hoạt động môi giới thương mại theo Luật Thương mại

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Các hạn chế trong hoạt động môi giới thương mại

Môi giới thương mại là một loại hình dịch vụ được phát triển ở nước ta trong những năm gần đây. Môi giới thương mại là một hoạt động thương mại và được pháp luật điều chỉnh tại Luật thương mại 2005. Tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy hoạt động môi giới vẫn gặp khá nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của chính ngành dịch vụ này cũng như nền kinh tế. Bài viết dưới đây Phamlaw xin được chỉ ra một số điểm hạn chế của ngành nghề môi giới mà pháp luật chưa điều chỉnh được để giúp Quý khách cũng như các doanh nghiệp hoạt động môi giới thương mại tránh được một số rủi ro trên thực tế.

Môi giới thương mại được hiểu theo Điều 150 Luật thương mại 2005“hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới”.

So với các hoạt động trung gian thương mại khác được quy định trong Luật thương mại 2005, có thể thấy đối với môi giới thương mại luật không quy định về hình thức của hợp đồng, trong khi đó các hoạt động trung gian thương mại khác đều có quy định về hình thức của hợp đồng phát sinh giữa bên thực hiện dịch vụ và bên nhận dịch vụ. Luật thương mại 2005 không đề cập tới vấn đề hình thức của hợp đồng môi giới thương mại, điều này tạo điều kiện cho các hoạt động môi giới có thể tiến hành nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên việc không quy định như vậy cũng có mặt trái, đó là làm phát sinh những vấn đề tiềm ẩn về tranh chấp giữa các bên thực hiện dịch vụ môi giới và bên được môi giới. Trên thực tế có những hợp đồng môi giới được giao kết với giá trị lớn như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới đưa người lao động ra nước ngoài làm việc… việc không quy định về hình thức của hợp đồng rất dễ gây rủi ro cho các bên  đặc biệt là những hợp đồng có giá trị lớn như trên. Để tránh những vướng mắc này xảy ra giữa các bên, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mội giới thương mại sao cho có sự phù hợp, thống nhất với các hoạt động môi giới chuyên ngành khác.

Một vướng mắc khác mà hoạt động môi giới thương mại trong thực tế gặp phải, đó là vấn đề về chế độ thanh toán chi phí, thù lao. Thù lao trong hoạt động thương mại là khoản tiền mà bên được môi giới phải trả cho bên môi giới khi bên môi giới giúp bên được môi giới làm việc với bên thứ ba. Thù lao có thể bao gồm cả những chi phí mà bên môi giới bỏ ra khi thực hiện công việc giao dịch, được gọi là chi phí môi giới. Luật thương mại 2005 chưa có quy định về trường hợp khi các bên không có thỏa thuận thì khi nào bên môi giới được hưởng thù lao môi giới, khi nào được hưởng chi phí môi giới. Hay trường hợp bên môi giới ký hợp đồng môi giới với cả hai bên được môi giới thì thù lao tính như thế nào. Chính vì vậy pháp luật cần có quy định rõ hơn về thù lao môi giới, ví dụ như nếu bên được môi giới giao kết thành công hợp đồng với bên thứ ba, thì thù lao môi giới phải do cả hai bên này cùng thanh toán; nếu giao kết hợp đồng với bên thứ ba không thành công thì bên được môi giới phải thanh toán thù lao bao gồm cả chi phí môi giới mà bên môi giới đã bỏ ra. Đối với trường hợp bên môi giới giao kết hợp đồng với cả hai bên được môi giới thì thù lao được xét trong mối quan hệ giao dịch thương mại, chứ bên môi giới không thể hưởng thù lao từ cả hai bên được môi giới trong cùng một giao dịch.

Việc điều chỉnh các quy định pháp luật về hoạt động môi giới là rất cần thiết, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ này được tiến hành dễ dàng, thuận tiện hơn, tránh được nhiều rủi ro phát sinh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phát triển. Hy vọng sắp tới pháp luật sẽ có sự điều chỉnh sát với thực tế hơn nữa để hạn chế được tối thiểu nhất những rủi ro mà các doanh nghiệp có thể gặp phải trong hoạt động môi giới thương mại.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về vướng mắc của Quý khách liên quan đến nội dung câu hỏi: “Điểm hạn chế hoạt động môi giới thương mại theo Luật Thương mại”. Nếu Quý khách còn vướng mắc, xin vui lòng liên hệ với Tổng đài của Bộ phận tư vấn pháp luật Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ như đăng ký thành lập doanh nghiệp mới; thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp; rà soát và soạn thảo hợp đồng…, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

———————————

Phòng tư vấn pháp luật chuyên sâu – Phamlaw

> xem thêm:

 

5/5 - (1 bình chọn)