Kiện đòi nợ tài sản như thế nào ?

Thủ tục kiện đòi nợ tài sản như thế nào?

Các Luật sư cho tôi hỏi:

Tôi có cho một người bạn vay 100 triệu đồng, trong giấy vay nợ ghi rõ không tính lãi và đến hết tháng 4 năm 2021 sẽ trả hết nợ. Nhưng đến bây giờ bạn tôi vẫn chưa trả bất kỳ một khoản nào cho tôi cả nên tôi muốn khởi kiện ra Tòa án. Vậy mong luật sư hướng dẫn cho tôi thủ tục khởi kiện tại tòa án và khi Tòa án giải quyết tôi có phải mất phí gì không?

Trả lời:  (mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với trường hợp trên của bạn Phamlaw xin được tư vấn cho bạn như sau:

Thông thường trong giao dịch dân sự các khoản vay dựa trên sự tin tưởng nhau, do đó nhiều khi có tranh chấp các bên rất khó thương lượng với nhau. Có thể thấy, ngày nay ngày càng có nhiều tranh chấp phát sinh từ hoạt động cho vay tài sản, đặc biệt là các khoản nợ cá nhân. Khi hai bên hòa giải, thương lượng, thỏa thuận mà không được thì một trong các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự.

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ trả lãi nếu thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Hợp đồng phát sinh hiệu lực từ thời điểm giao kết. Khi bên cho vay cho bên vay vay tài sản bằng lời nói thì hợp đồng được giao kết,còn nếu hợp đồng giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết là thời điểm các bên có thỏa thuận về nội dung của hợp đồng trong văn bản và ký kết với nhau. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nếu hợp đồng vay được giao kết dưới hình thức văn bản thì khi xảy ra tranh chấp sẽ có cơ sở giải quyết. Còn hợp đồng giao kết dưới hình thức lời nói giữa các bên với nhau thì khi có tranh chấp xảy ra thì rất khó chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Do đó, khi các bên cho vay tài sản nên giao kết dưới hình thức bằng văn bản với nhau để có căn cứ giải quyết.

Trong giấy vay nợ giữa bạn và người vay thỏa thuận rõ đến hết tháng 4 năm 2021 sẽ trả hết nợ nhưng đến nay người vay vẫn chưa trả cho bạn bất kỳ khoản nào tức là người vay đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Do đó, bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp này theo thủ tục sau:

Về thời hiệu khởi kiện:

Tại Điều 429 BLDS 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Có thể thấy theo quy định pháp luật thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đương sự chỉ được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Khái niệm về thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm liên quan trực tiếp đến việc xác định thời hiệu khởi kiện, tuy nhiên pháp luật không có hướng dẫn, quy định về nội dung này.

Về thẩm quyền của tòa án:

Việc xác định Thẩm quyền Tòa án cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp bạn đọc khi tìm hiểu Thủ tục khởi kiện đòi nợ tài sản biết chính xác được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Căn cứ theo Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

“ Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”

Như vậy khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ, bên cho vay có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi bên vay đang cư trú để đề nghị Tòa án xem xét giải quyết.

Về thủ tục kiện đòi nợ tài sản như thế nào:

Bước 1: Để có thể khởi kiện đòi nợ tài sản bạn cần chuẩn bị hồ sơ gửi đến Tòa án, bộ hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện gồm một số nội dung cơ bản như sau:

+) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

+) Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;

+) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

+) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

+) Tên, địa chỉ của người bị kiện;

+) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

+) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;

+) Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;

+) Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;

+) Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn.

  • Bản sao có công chứng chứng thực CMND hoặc sổ hộ khẩu;
  • Hợp đồng vay nợ và các tài liệu khác (nếu có);

Bước 2: Cá nhân có yêu cầu mang hồ sơ và nộp đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn trú cư trú.

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện đòi nợ tiền cá nhân nếu vụ việc đủ điều kiện khởi kiện, đơn khởi kiện đã làm đúng theo quy định thì Tòa án cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Tiền tạm ứng án phí được quy định tại Nghị định 326/2016/UBTVQH14.

 Tuy nhiên nếu sau khi tòa án giải quyết bằng bản án mà yêu của bạn được chấp nhận thì người không chấp nhận yêu cầu của bạn phải nộp án phí giải quyết vụ án và bạn được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí này.

Bước 3: Tiến trình thụ lý vụ kiện gồm: Xét xử sơ thẩm; Xét xử phúc thẩm; Xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm. Thời gian giải quyết vụ án sơ thẩm thông thường khoảng từ 4-6 tháng

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi “Kiện đòi nợ tài sản như thế nào?” nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối đến Tổng đài 1900 6284 để được tư vấn.

Trân trọng./

Xem thêm: >>> Hoãn phiên tòa sơ thẩm dân sự

2.7/5 - (3 bình chọn)