Áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự như thế nào?

Áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự như thế nào?

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Thuhang….@gmail.com với nội dung như sau:

Em tôi tham gia trong một vụ gây rối trật tự công cộng và có gây thương tích với một số người, sau đó nó rất sợ và đã bỏ trốn. Khi cơ quan công an có giấy triệu tập nhưng em tôi không có mặt ở nhà. Bố mẹ tôi đã giải thích rất nhiều cho em tôi nghe và em tôi đã tới cơ quan công an đầu thú và lập tức bị giữ lại ngay, trong khi đó những người tham gia khác hầu hết đều được thả. Việc em tôi bị giữ lại như vậy có đúng không và thời gian bị tạm giữ là bao lâu?

Cảm ơn Luật sư!

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với trường hợp trên của bạn Phamlaw xin được tư vấn cho bạn như sau:

1. Tạm giữ trong vụ án hình sự là gì?

Tạm giữ hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về cách hiểu người bị tạm giữ như sau: “Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.”

Như vậy, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Mục đích của biện pháp ngăn chặn tạm giữ là nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc hành vi cản trở việc điều tra của người bị nghi là thực hiện hành vi phạm tội, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền đủ thời gian để xác định tính chất, mức độ của hành vi, nhân thân của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để từ đó có thể quyết định việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc các quyết định pháp lý cần thiết.

2. Thời hạn tạm giữ để điều tra hình sự

Căn cứ theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về thời hạn tạm giữ như sau:

– Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

– Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

Vậy tạm giữ là một trong những biện pháp ngăn chặn người thực hiện hành vi phạm tội khi người này có dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiếp tục gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đối với những vụ án phức tạp cần phải gia hạn thời hạn tạm giữ  thì bên cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định gia hạn thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan tiến hành tố tụng có thể gia hạn thời hạn tạm giữ lần hai nhưng không quá 3 ngày. Như vậy, tính tổng thời gian tạm giữ tối đa là không quá 9 ngày.

3. Giải quyết tình huống

Căn cứ theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 về tội gây rối trật tự công cộng

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Do đó, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc có căn cứ chứng tỏ bị can sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Khi đó, em bạn có thể bị tạm giữ trong trường hợp cơ quan công an cần có thời gian để lấy lời khai và xác minh những tình tiết cần làm rõ về hành vi phạm tội, căn cước, lý lịch, nhân thân của em bạn; hoặc công an cho rằng em bạn có thể bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Như vậy, thời hạn tạm giữ em bạn sẽ không quá 3 ngày. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 9 ngày.

Phamlaw hy vọng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự như thế nào? Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)