Các ngành nghề được ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Các ngành nghề được ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Thutrang….@gmail.com với nội dung như sau:

Thưa Luật sư!

Tôi đang tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư kinh doanh, tôi muốn biết hiện nay những ngành, nghề nào được hưởng ưu đãi đầu tư. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đầu tư 2020

Nghị định 31/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ngành nghề được ưu đãi đầu tư là gì?

Nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt nam, nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi khi thực hiện các dự án đầu tư thuộc ngành nghề được hưởng ưu đãi tại địa bàn ưu đãi đầu tư. Các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư chủ yếu đều là các ngành nghề về công nghệ cao; các ngành nghề sản xuất có hàm lượng kỹ thuật cao; các ngành nghề có hàm lượng đầu tư chất xám cao; các ngành nghề nhằm mục đích bảo vệ môi trường; các ngành nghề nhằm phát triển nông-lâm-ngư nghiệp, công nghệ sinh học; các ngành nghề phát triển giáo dục, y tế; các ngành nghề nhằm bảo vệ di sản văn hóa, phát triển thể dục thể thao cho người khuyết tật; các ngành nghề phát triển hạ tầng đô thị, phát triển phương tiện công cộng đô thị; các quỹ tín dụng nhân dân, tài chính nhân dân vi mô.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các nhà đầu tư sẽ được hưởng một trong các hình thức ưu đãi sau đây:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

2. Danh mục các ngành nghề hưởng ưu đãi đầu tư

Cac Nganh Nghe Duoc Uu Dai Dau Tu Tai Viet Nam
Các ngành nghề được ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020, những ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm:

STTNgành, nghề
1Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
2Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
3Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;
4Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
5Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;
6Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;
7Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;
8Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;
9Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;
10Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế;
11Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
12Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;
13Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
14Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Bên cạnh đó, những ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư còn được quy định chi tiết tại Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư bao gồm:

  • Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ (08 ngành, nghề);
  • Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (08 ngành, nghề);
  • Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng (06 ngành, nghề);
  • Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao, y tế (10 ngành, nghề).

Ngoài ra, tại Mục B Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP còn quy định danh mục các ngành nghề ưu đãi đầu tư.

3. Ý nghĩa của các ngành nghề hưởng ưu đãi đầu tư

Một trong những mục tiêu chính của Luật Đầu tư 2020 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng như thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị để bắt kịp với Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Điều này đã được cụ thể hoá bằng việc Luật đầu tư 2020 bổ sung nhiều quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong những điểm mới đó, quy định tại Điều 16 Luật đầu tư 2020 về các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư là một trong những điểm sáng vì nó hướng tới các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Luật đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, chất lượng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan. Cụ thể như:

– Bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư (như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành).

– Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật).

– Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.

Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP tập trung chủ yếu vào bốn ngành là Công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp; Bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; Văn hoá, xã hội, thể thao, y tế, đồng thời bổ sung và cụ thể hoá một số ngành nghề liên quan như đào tạo nhân lực công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ sinh học,… Đây đều là những sự bổ sung cần thiết, góp phần thúc đẩy sự đầu tư chất lượng cao vào các lĩnh vực nhằm phát triển chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Nếu các bạn muốn đăng ký các ngành nghề để công ty của mình có thể hưởng ưu đãi hãy liên hệ với Luật Phamlaw để được có thể được tư vấn bổ sung ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 

5/5 - (1 bình chọn)