Cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại môi trường

Cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại môi trường

Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề không chỉ của một quốc gia, một khu vực mà là mối quan tâm chung của nhân loại. Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới đã dẫn đến những tác động to lớn đến môi trường, làm cho môi trường sống của con ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại môi trường là gì? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường 2020

Bộ luật dân sự 2015

Văn bản hợp nhất 01/2017/VBHN-VPQH Bộ luật Hình sự

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi làm ô nhiễm môi trường là gì?

Theo bộ luật dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trường hợp cụ thể về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng; theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác thì phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi hiện trạng môi trường và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

2. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường

Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường bao gồm:

Thứ nhất, phải có thiệt hại thực xảy ra trên thực tế; căn cứ vào tính chất của thiệt hại đã xảy ra, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được chia thành hai loại:

(1) Thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và thiệt hại đối với môi trường sinh thái, làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (bao gồm các thiệt hại về môi trường đất, nước, hệ sinh thái, động, thực vật)

(2) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác.

Trong mối quan hệ giữa hai loại thiệt hại này thì thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là loại thiệt hại xảy ra trước. Còn thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cụ thể chỉ phát sinh sau khi có hậu quả là suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Do vậy, có thể thấy muốn xác định được có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp do ô nhiễm môi trường thì phải xác định được có thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tại khu vực đó.

Thứ hai, hành vi gây ô nhiễm môi trường phải được coi là hành vi trái với pháp luật bảo vệ môi trường. Theo pháp luật hiện hành; các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường rất đa dạng, cụ thể: Các hành vi vi phạm điều cấm được quy định cụ thể tại Luật bảo vệ môi trường; hành vi vi phạm đánh giá tác động môi trường hoặc các yêu cầu ghi lại phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên như: tài nguyên rừng, khai thác, kinh doanh động thực vật quý hiếm. Các hành vi vi phạm quy định bảo vệ nguồn tài nguyên đất, bảo vệ nguồn đất; các quy định về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên… Các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh công cộng như vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải; quy định về tiếng ồn, độ rung…Các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống sự cố môi trường trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển,…Các hành vi vi phạm các quy định về bảo quản và sử dụng các chất dễ gây ô nhiễm.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại thực tế đã xảy ra. Nguyên nhân gây thiệt hại về môi trường có thể do các yếu tố thiên tai từ tự nhiên, cũng có thể là do con người gây ra gây thiệt hại đến chính môi trường hoặc gây hại đến con người. Các nguyên nhân đó trực tiếp ảnh hưởng và gây ra thiệt hại; tuy nhiên nhiều trường hợp khó xác định được nguyên nhân hay cụ thể thiệt hại môi trường để xác định mối quan hệ nhân quả.

Thứ tư, có yếu tố lỗi của chủ thể gây thiệt hại. Theo điều 628, Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường chỉ được loại trừ trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi. Nghĩa là, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại môi trường

Pháp luật đã có quy định cụ thể về việc các đối tượng phải bồi thường thiệt hại khi có hành vi gây ô nhiễm môi trường trái với pháp luật. Đầu tiên, tại điều 131 Luật bảo vệ môi trường 2020 có quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt, hại về môi trường như sau:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật bảo vệ môi trường 2020

Thứ hai, Trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái được quy định như sau:

– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái;

– Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo để nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;

– Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Thứ ba, Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại và những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khỏe hoặc những người thân của người bị thiệt hại về tính mạng phải gánh chịu để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, có những thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường chưa được pháp luật quy định nên không có căn cứ pháp lý để xác định thiệt hại về môi trường. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm chứng minh và yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do làm ô nhiễm môi trường lại thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, nếu các cơ quan nhà nước này không xác định hoặc xác định không có thiệt hại môi trường thì cũng khó có cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân xác định, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây ra. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về thu thập chứng cứ gây ô nhiễm môi trường chưa sát với thực tiễn gây khó khăn cho người bị thiệt hại trong việc thu thập, xác định, chứng minh mức độ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và mối quan hệ giữa môi trường bị làm ô nhiễm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; tài sản, lợi ích hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, BLDS 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, dù có lỗi hay không nhưng chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật. Ngoài ra, bộ luật quy định về mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do làm ô nhiễm môi trường gây ra, quy định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do làm ô nhiễm môi trường không quá 100 tháng lương tối thiểu cho thân nhân người chết và bồi thường thiệt hại về tinh thần không quá 50 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho người bị thiệt hại về sức khỏe.

Ngoài ra, Liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường, Điểu 235 Văn bản hợp nhất 01/2017/VBHN-VPQH Bộ luật Hình sự đã quy định về mức xử nghiêm đối với hành vi vi phạm môi trường. Mức phạt cao nhất đối với cá nhân/tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại môi trường. Nếu bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)