Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự

Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự

Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xây dựng thành công nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc công cuộc cải cách tư pháp. Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Đây là nguyên tắc mang tính đột phá nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp. Nguyên tắc này đã tạo cơ hội cho các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án, đồng thời góp phần bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án đã tuyên là có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 với tư cách là ngành luật hình thức có nhiệm vụ thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013 đã quy định bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một nguyên tắc của tố tụng dân sự. Để hiểu rõ hơn về Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

1. Khái niệm nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự

Tranh tụng trong tố tụng dân sự là một quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định có hiệu pháp luật theo đó các chủ thể tham gia tố tụng được đưa ra chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định.

Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự, thể hiện tư tưởng chỉ đạo của nhà nước trong việc xác định trách nhiệm trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm được các điều kiện cần thiết làm cho các chủ thể tranh tụng thực hiện được quyền tranh tụng trong suốt quá trình tố tụng dân sự, bao gồm việc đưa ra chứng cứ, trao đổi chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận cho yêu cầu của đương sự trước Tòa án. Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng để quyết định về việc giải quyết vụ án dân sự.

2. Ý nghĩa của nguyên tắc

Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự mang nhiều ý nghĩa quan trọng trên cơ sở ghi nhận nội dung cơ bản của nguyên tắc này:

Thứ nhất, đảm bảo cho đương sự được biết và trình bày ý kiến về yêu cầu và chứng cứ của người khác đối với mình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án.

Thứ hai, đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện tranh tụng. Nguyên tắc này đảm bảo trong quá trình tố tụng dân sự mọi tổ chức, cá nhân đều có vị trí như nhau, không có sự phân biệt, đối xử giữa những người tham gia tố tụng, phân biệt, đối xử giữa những người tham gia tố tụng, phân biệt đối xử theo các dấu hiệu nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội và các dấu hiệu khác. Bình đẳng phải được đảm bảo giữa các nguyên đơn và bên bị đơn, giữa những người tham gia tố tụng khác. Là cơ sở pháp lý bảo đảm cho các chủ thể tham gia tố tụng có cơ hội, điều kiện ngang nhau trong quá trình tố tụng.

Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng còn là cơ sở pháp lý đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, tính khách quan, sự vô tư từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Nội dung nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự có các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, các đương sự phải có quyền biết và trình bày ý kiến về những vấn đề mà người khác có yêu cầu đối với mình về quyền và nghĩa vụ dân sự. Bảo đảm tranh tụng chỉ thực sự hiệu quả nếu mỗi đương sự biết được đầy đủ và toàn diện các yêu cầu cũng như chứng cứ và lý lẽ chống lại họ. Bản thân đương sự chính là những người biết rõ nhất về nguyên nhân cũng như tình tiết vụ án liên quan đến họ vì lẽ đó đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án.

Thứ hai, các chủ thể tham gia tố tụng dân sự đều có quyền bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện quyền tranh tụng. Bản chất của tố tụng dân sự là quá trình tranh tụng giữa các chủ thể tham gia tố tụng trên cơ sở các quy định của pháp luật để nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Quá trình này chỉ đạt được mục đích khi các chủ thể tham gia tranh tụng được bình đẳng với nhau trước tòa án.

Thứ ba, Tòa án bảo đảm cho các đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự một cách bình đẳng, công khai và đúng pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Để đương sự có thể thực hiện đầy đủ quyền của mình thì Tòa án phải là cơ quan đảm bảo cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác hiểu biết và đủ điều kiện cơ bản để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong đó đặc biệt là quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của họ theo quy định của pháp luật.

4. Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015

Nguyên tắc này được quy định tại điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

“Điều 24. Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.”

Trên cơ sở điều luật này, ta có thể phân tích cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chủ thể tham gia hoạt động bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự

Tòa án là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự. Trong đó, Tòa án phải thực hiện các chức năng: bảo đảm quyền bình đẳng của các đương sự trước pháp luật; Tòa án giữ vao trò điều hành tranh tụng; Tòa án xem xét công khai mọi tài liệu, chứng cứ, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án.

Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là các chủ thể chính tham gia tranh tụng trong tố tụng dân sự. Chủ thể tham gia tranh tụng trong vụ án dân sự là các đương sự hay cụ thể hơn đó là các nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Để bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự, BLTTDS năm 2015 quy định cho các chủ thể này bình đẳng trước Tòa án trong việc đưa ra chứng cứ và thể hiện sự đánh giá của mình về các chứng cứ trong vụ án cũng như quan điểm giải quyết vụ án.

Thứ hai, về thời điểm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Tranh tụng trong tố tụng dân sự là một quá trình bắt đầu từ khi nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Quá trình này không chỉ bao gồm các giai đoạn khởi kiện, chuẩn bị xét xử, thu thập, trao đổi chứng cứ, tài liệu, quan điểm về việc giải quyết vụ án, đối chất, hòa giải giữa các bên, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm mà cả khi vụ án được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì việc bảo đảm tranh tụng được thể hiện một cách rõ nét, tập trung nhất.

Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng gắn liền với hoạt động thu thập, giao nộp, đánh giá chứng cứ.

Vấn đề chứng cứ là vấn đề trung tâm trong tố tụng dân sự và trong thực tiễn hoạt động xét xử. Nghệ thuật tranh tụng đồng nghĩa với nghệ thuật sử dụng chứng cứ. Hoạt động chứng minh suy cho cùng là hoạt động sử dụng chứng cứ trên cơ sở cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Do vậy, hoạt động chứng minh sẽ không thể thực hiện được nếu không có chứng cứ. Chứng cứ là cơ sở duy nhất và cũng là phương tiện duy nhất để chứng minh trong các vụ việc dân sự. Nếu không dựa vào chứng cứ Tòa án không thể tái hiện lại đúng tính tiết các vụ việc dân sự, không xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự, vì vậy, việc nhận thức đúng đắn về vấn đề chứng cứ sẽ là cơ sở lý luận, định hướng đúng đắn cho hoạt động chứng minh cũng như hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng dân sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)