Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể công ty?
Tạm ngừng kinh doanh và giải thể công ty là hai hình thức chủ doanh nghiệp thường hướng đến khi doanh nghiệp hoạt động khó khăn, chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh nữa. Mặc dù đây là hai hình thức hoàn toàn khác nhau, nhưng vẫn có rất nhiều chủ doanh nghiệp nhầm lẫn, không nắm được sự khác nhau giữa hai hình thức này. Trong khuôn khổ bài viết này, công ty Luật PhamLaw xin được tư vấn đến các doanh nghiệp nói chung, và các doanh nghiệp đang có dự định tạm ngừng kinh doanh hay giải thể công ty nói riêng về sự khác biệt giữa tạm ngừng kinh doanh và giải thể công ty để doanh nghiệp có được nền tảng pháp lý, từ đó cân nhắc nên lựa chọn hình thức nào phù hợp nhất “nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể” đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tạm ngừng kinh doanh
Khái niệm
Tạm ngừng kinh doanh là một trong những giải pháp doanh nghiệp lựa chọn khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, cần thời gian để tìm ra phương án giải quyết, cũng như huy động vốn (nếu cần). Tạm ngừng kinh doanh là hoạt động dựa vào ý chí tự nguyện của doanh nghiệp, có nghĩa là doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh tùy thuộc vào tình hình của doanh nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:
“Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”.
Trường hợp tạm ngừng kinh doanh
Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:
“1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
b) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án“.
Hậu quả pháp lý
Tạm ngừng kinh doanh không dẫn đến hậu quả pháp lý làm chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, thay vào đó, tạm ngừng kinh doanh chỉ làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp vẫn sẽ quay trở lại hoạt động như bình thường được. Tạm ngừng hoạt động thường áp dụng cho doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng hoặc chủ doanh nghiệp đó có việc cá nhân nên tạm ngừng kinh doanh. Và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước, các khoản nợ và hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng và người lao động.
Trình tự, thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh
– Bước 1: Chậm nhất 03 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh lên cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
– Bước 2: Trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, cơ quang đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trao giấy xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Giải thể doanh nghiệp
Khái niệm
Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc của cơ quan có thẩm quyền.
Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Cụ thể, doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi đối với những người có liên quan, bao gồm: người lao động, chủ nợ, đối tác kinh doanh, cơ quan nhà nước …
Trường hợp giải thể doanh nghiệp
Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”.
Có hai hình thức giải thể doanh nghiệp là:
– Giải thể tự nguyện;
– Giải thể bắt buộc
Như vậy, có thể thấy, tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể doanh nghiệp đều có thể là quyền của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tự nguyện giải thể hoặc tự nguyện tạm ngừng kinh doanh. Và doanh nghiệp cũng có thể bị bắt buộc giải thể nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hậu quả pháp lý
Giải thể doanh nghiệp dẫn đến hậu quả pháp lý là chấm dứt sự tồn tại hoạt động của doanh nghiệp một cách vĩnh viễn, doanh nghiệp cũng sẽ bị chấm dứt tư cách pháp nhân. Khi đó, chủ doanh nghiệp giải thể chỉ có thể thành lập mới doanh nghiệp nếu sau này họ có nhu cầu tiếp tục kinh doanh theo hình thức mở công ty mới… Trước khi giải thể doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ liên quan đến quyền lợi của người lao động, khách hàng và các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước.
Về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp
Với giải thể doanh nghiệp, trình tự thủ tục sẽ gồm các bước:
– Bước 1: Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp (nếu có)
– Bước 2: Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp
– Bước 3: Công bố giải thể doanh nghiệp
– Bước 4: Thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp
– Bước 5: Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng của doanh nghiệp sau khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ thanh toán.
Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp phức tạp hơn so với tạm ngừng kinh doanh. Xuất phát từ lí do, doanh nghiệp giải thể làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó trên thị trường, nên để nhằm hạn chế việc doanh nghiệp giải thể nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải đảm bảo hoàn thành trả nợ và nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước. Do đó, để giải thể doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục trong nội bộ doanh nghiệp cũng như tại nhiều cơ quan khác nhau (Như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan Hải quan…)
Như vậy, khi giải thể, doanh nghiệp chấm dứt tồn tại, do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng chi trả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, tạm ngừng kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng về tiền lương cho người lao động, thuế và các nghĩa vụ khác. Do đó, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể tập trung giải quyết những khó khan của doanh nghiệp, tìm cách huy động vốn để tái cơ cấu doanh nghiệp. Trường hợp có thể hoạt động sớm hơn thời hạn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh về việc hoạt động trước thời hạn. Ngược lại, trường hợp sau thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động có thể lựa chọn giải thể doanh nghiệp.
Có rất nhiều khách hàng hỏi: “không giải thể công ty có sao không?” Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết “xử lý hình sự khi không tiến hành giải thể doanh nghiệp” và hậu quả pháp lý khi khách hàng không làm thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể công ty?. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.
Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!
Trân trọng!
Xem thêm: