Trường hợp người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam

Trường hợp người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam

Trục xuất hình phạt áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam) buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đây là biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, người không quốc tịch bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện. Để hiểu rõ hơn về các trường hợp người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH 2020

Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Trục xuất là gì?

Theo quy định tại Điều 37 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự thì Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.

Về cơ bản, trục xuất là một biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, người không quốc tịch được cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý bằng cách buộc những người này ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất mang tính cưỡng chế thi hành với những đối tượng bị áp dụng hình phạt.

2. Trường hợp người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 142/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; thay thế các Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 và Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17/3/2016 đã quy định trước đó.

Đối tượng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được quy định tại Điều 5 Nghị định 142/2021/NĐ-CP như sau: “Cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Theo đó, người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có quyền: Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được yêu cầu có người phiên dịch khi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền; được thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định số 65/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 quy định về tổ chức và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất; nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có); hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất gồm: Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý; chỉ định chỗ ở của người bị quản lý; tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu.

3. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 5, khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, thì Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính.và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

4. Thủ tục đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất như sau:

Bước 1: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi tài liệu, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) liên quan đến vụ vi phạm đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký thường trú, tạm trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Đối với trường hợp vi phạm do cơ quan ở trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện thì hồ sơ vi phạm được gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Hồ sơ gồm có:

– Tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

– Biên bản vi phạm hành chính của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

– Tài liệu, chứng cứ về vi phạm hành chính;

– Tài liệu về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đã bị áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm);

– Văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

– Việc lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định 142/2021/NĐ-CP.

Bước 3: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải tiến hành xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì phải thông báo ngay cho cơ quan phát hiện vi phạm biết.

Lưu ý: Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành theo quy định tại Điều 84 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quyết định trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Bước 4: Cơ quan Công an, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; đồng thời, có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) cho cơ quan tiếp nhận quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất để thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cố tình không nhận quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định, gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam.

Việc thi hành Quyết định áp dụng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 10 Nghị định 142/2021/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về trường hợp người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, băn khoăn, Quý khách hàng vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)