Thủ tục thành lập tổ chức tín dụng theo luật hiện hành

Thủ tục thành lập tổ chức tín dụng theo luật hiện hành

Thưa Luật sư!

Vào tháng 10/2022, tôi muốn thành lập tổ chức tín dụng. Tôi muốn hỏi về điều kiện cấp giấy phép và thủ tục thành lập tổ chức tín dụng được pháp luật quy định như thế nào? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 86/2019/NĐ-CP.

Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2017 Luật các tổ chức tín dụng

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tổ chức tín dụng là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2017 Luật các tổ chức tín dụng, khái niệm tổ chức tín dụng được quy định cụ thể như sau: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”.

Về bản chất thì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng có những điểm khác biệt so với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề khác như tổ chức tín dụng là doanh nghiệp có đối tượng kinh doanh trực tiếp là tiền tệ; có hoạt động kinh doanh chính, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là hoạt động ngân hàng. Nội dung kinh doanh chủ yếu của tổ chức tín dụng là kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Thu Tuc Thanh Lap To Chuc Tin Dung Theo Luat Hien Hanh (1)

2. Điều kiện thành lập tổ chức tín dụng

Theo quy định Tại khoản 1 Điều 20 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2017 Luật các tổ chức tín dụng thì Điều kiện để thành lập tổ chức tín dụng bao gồm:

– Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Chi tiết về mức vốn pháp định của từng loại hình tổ chức tín dụng được quy định tại danh mục đính kèm Nghị định 86/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau: Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng;  Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

– Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;

– Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 5020 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2017 Luật các tổ chức tín dụng;

– Có Điều lệ phù hợp với quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan về doanh nghiệp

– Có Đề án thành lập và phương án kinh doanh khả thi, và các đề án này không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng liên doanh hoặc tổ chức tín dụng có 100% vốn nước ngoài thì bên cạnh các điều kiện trên còn phải đáp ứng những điều kiện sau:

– Tổ chức tín dụng nước ngoài được  Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

– Hoạt động dự kiến xin phép thực hiện tại Việt Nam phải là những hoạt động mà tổ chức tín dụng nước ngoài đó đang được phép thực hiện tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

– Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có hoạt động lành mạnh và đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản và phải tình hình tài chính, các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

– Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có văn bản cam kết về việc hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành và các hoạt động cho tổ chức tín dụng liên doanh hoặc tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm các tổ chức này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của 20 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2017 Luật các tổ chức tín dụng;

– Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sau khi đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, thực hiện việc trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài.

Do đặc thù của ngành tài chính – ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn tới nên kinh tế và các ngành khác trong nền kinh tế nên điều kiện hoạt động đối với các tổ chức trong ngành này được pháp luật quy định rất chặt chẽ.

3. Thủ tục thành lập tổ chức tín dụng theo luật hiện hành

Căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, thủ tục thành lập các tổ chức tín dụng được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

Theo quy định tại Điều 13 Văn bản hợp nhất 06/2022/VBHN-NHNN, nguyên tắc lập hồ sơ sẽ bao gồm các bước sau:

Thứ nhất, Các văn bản tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải do Trưởng Ban trù bị ký, trừ trường hợp Thông tư này có quy định khác. Các văn bản do Trưởng Ban trù bị ký phải có tiêu đề “Ban trù bị thành lập và tên ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện phải do người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng ký, trừ trường hợp Thông tư này có quy định khác.

Thứ hai, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được lập 01 bộ gốc bằng tiếng Việt.

Thứ ba, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện được lập thành 02 bộ gốc gồm một bộ bằng tiếng Việt và một bộ bằng tiếng Anh, trong đó:

Bộ hồ sơ tiếng Anh phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ các tài liệu sau đây:

+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ gửi trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước;

+ Các báo cáo tài chính được lập trực tiếp bằng tiếng Anh.

+ Các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực của pháp luật Việt Nam;

+ Bản dịch các báo cáo tài chính phải được xác nhận của tổ chức, cá nhân được phép hành nghề dịch thuật theo quy định của pháp luật;

+ Các văn bản tiếng Việt là bản gốc (hoặc sao từ bản gốc tiếng Việt) được lập tại Việt Nam không cần phải dịch ra tiếng Anh.

Trường hợp các giấy tờ là bản sao mà không phải là bản sao có chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc thì phải xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu trong bộ hồ sơ.

Bước 2: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động các tổ chức tín dụng

Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là 60 ngày.

Bước 3: Đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động

Sau khi được cấp Giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

Bước 4: Công bố thông tin hoạt động

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải công bố trên phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và trên một tờ báo viết hằng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương

Bước 5: Khai trương hoạt động

Các tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập tổ chức tín dụng theo luật hiện hành. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)