Khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên

Khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên

Tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung và tranh chấp giữa công ty, thành viên công ty với người quản lý công ty trong công ty TNHH 2 thành viên là một hiện tượng tất yếu không thể tránh khỏi của nền kinh tế thị trường. Tranh chấp này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh, chiến lược và sự tồn tại của doanh nghiệp. Vậy khi xảy ra tranh chấp, công ty và thành viên công ty có quyền khởi kiện người quản lý công ty không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm,…)

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên là ai?

Căn cứ tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Người quản lý doanh nghiệp như sau: Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Từ đây có thể hiểu, người quản lý trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ. Họ làm việc để đảm bảo công ty luôn năng suất, hiệu quả và có tổ chức bằng cách thực hiện các chiến lược hoạt động, tiến hành đánh giá hiệu suất và giám sát tất cả các hoạt động hàng ngày.

2. Trách nhiệm của người quản lý trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Theo quy định tại Điều 71 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên của công ty có trách nhiệm sau đây:

Thứ nhất, Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;

Thứ hai, Trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

Thứ ba, Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối;

Thứ tư, Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

3. Tranh chấp giữa thành viên, công ty với người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên

Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp gồm: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.”

Do đó, có thể hiểu tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH; giữa thành viên với người quản lý là những mâu thuẫn, bất đồng giữa công ty và thành viên công ty với người quản lý trong công ty phát sinh trong quá trình thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty TNHH 2 thành viên.

Tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty với người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên thông thường là các tranh chấp phát sinh từ quyết định của Hội đồng thành viên vì cho rằng các quyết định này không công bằng, không hợp pháp; Tranh chấp về quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc/ Tổng Giám đốc công ty; Tranh chấp về quyền của thành viên Hội đồng thành viên;….Các tranh chấp này thường xảy ra khá gay gắt. Khi tranh chấp xảy ra, các bên lại không biết nên xử lý ra sao khiến cho tranh chấp ngày càng gay gắt, phức tạp hơn. Để giải quyết các tranh chấp này, cá nhân/tổ chức thường chọn phương thức khởi kiện lên Tòa án nếu trong trường hợp không thỏa thuận, hòa giải được.

4. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa công ty, thành viên công ty với người quản lý trong công ty TNHH

Giải quyết tranh chấp giữa công ty, thành viên công ty với người quản lý trong công ty TNHH, phương thức giải quyết cũng giống như giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo đó, có bốn phương thức giải quyết sau. Cụ thể:

Thứ nhất, có thể giải quyết bằng phương thức thương lượng.

Đây là phương thức đơn giản nhất nên hầu như khi bắt đầu có tranh chấp xảy ra các cá nhân tổ chức đều lựa chọn giải quyết. Tuy nhiên, do đây là phương thức thể hiện ở việc các bên trong tranh chấp chủ động gặp gỡ nhau, bàn bạc, thỏa thuận về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mỗi bên. Kết quả giải quyết cũng do các bên lựa chọn nên phương thức này đem lại hiệu quả thường không cao trong trường hợp các bên không thương lượng, thỏa thuận được.

Thứ hai, Phương thức hòa giải tại Trung tâm hòa giải

Đây là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Cũng giống như phương thức thương lượng, kết quả giải quyết cũng do các bên lựa chọn, Hòa giải viên chỉ là bên am hiểu các quy định về tranh chấp và đưa ra các ý kiến để hai bên hòa giải. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thương lượng, thỏa thuận được thì phương pháp này cũng không được giải quyết triệt để các vấn đề về tranh chấp.

Thứ ba, Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán. Thỏa thuận làm tiền đề cho phán quyết và không thể có phán quyết thoát ly những yếu tố đã được thỏa thuận.

Thứ tư, Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

Về bản chất, phương thức giải quyết tranh chấp giữa công ty, thành viên công ty với người quản lý trong công ty TNHH tại Tòa án là một phương thức mang ý chí quyền lực nhà nước, Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật. So với những phương thức giải quyết bằng thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại thì phương thức giải quyết bằng Tòa án là phương thức được coi là thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước và có giá trị thi hành cao. Do đó phương pháp này được đông đảo các cá nhân tổ chức áp dụng khi có tranh chấp giữa công ty, thành viên công ty với người quản lý trong công ty TNHH.

5. Quyền khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Theo quy định tại Điều 72 Luật doanh nghiệp 2020 thì thành viên công ty tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác do vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý trong trường hợp sau đây:

  • Vi phạm quy định tại Điều 71 của Luật doanh nghiệp 2020 về thực hiện trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp;
  • Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với quyền và nghĩa vụ được giao;
  • Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Trình tự, thủ tục khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp thành viên khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp bị bác yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp thành viên khởi kiện nhân danh cá nhân thì thành viên đó sẽ phải chịu chi phí khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục khởi kiện sẽ được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Thành phần hồ sơ khởi kiện bao gồm các tài liệu sau:

– Đơn khởi kiện

– Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu gia đình. Nếu nhân danh công ty khởi kiện thì bổ sung thêm các giấy tờ về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có)

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo nêu trên đến tòa án có thẩm quyền. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cứ trú, làm việc

Bước 3: Thụ lý vụ án

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Lưu ý: Chi phí khởi kiện trong trường hợp thành viên khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp bị bác yêu cầu khởi kiện.

Trên đây tư vấn của Phamlaw về quyền khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên. Nếu còn vướng mắc, băn khoăn, Quý khách hàng, Quý bạn đọc vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)