Giao đất không thu tiền sử dụng đất
Giao đất không thu tiền sử dụng đất là hình thức giao đất của Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Vậy giao đất là gì và trong trường hợp nào Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP
Nghị định 45/2014/NĐ-CP
Nghị định 91/2019/NĐ
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Giao đất là gì?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai, Giao đất là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất. Có hai hình thức giao đất bao gồm giao đất có thu tiền sử dụng đất và giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Giao đất có thu tiền sử dụng đất được hiểu là một trong những hình thức Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho chủ thể có nhu cầu sử dụng đất. Theo đó, khi được Nhà nước giao đất, chủ thể được nhận đất có nghĩa vụ phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền sử dụng đất nhất định nếu thuộc trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Khi Nhà nước quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất cho chủ thể có nhu cầu sử dụng đất, thì tiền sử dụng đất được xem là một trong những loại nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất cần phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất, trừ trường hợp thuộc đối tượng được miễn, giảm hoặc không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Còn giao đất không thu tiền sử dụng đất là trường hợp giao đất mà người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi thuộc một trong những trường hợp do pháp luật quy định.
Việc phân loại hình thức giao đất này là yếu tố trực tiếp quyết định đến quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể sau khi được Nhà nước giao đất. Ngoài ra, việc phân loại hình thức giao đất cũng là cơ sở để cơ quan quản lý đất đai áp dụng các quy chế một cách hợp lý đối với từng chủ thể có quyền sử dụng đất. Vì tương ứng với từng hình thức giao đất sẽ có một cơ chế pháp lý riêng để quy định và cũng là cơ sở để các chủ thể có quyền sử dụng đất tiến hành sử dụng đất một cách hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất.
2. Các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất
Căn cứ theo Điều 54 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai thì có 05 trường hợp cá nhân, tổ chức, hộ gia đình được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bao gồm:
– Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai;
– Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
– Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;
– Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;
– Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp gồm: Đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 76/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 thì pháp luật về đất đai có quy định về các trường hợp miễn tiền sử dụng đất như sau:
– Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công; hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở cho người phải di dời do thiên tai.
– Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo Danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng quy định.
– Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Thủ tướng quyết định việc miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
3. Đất được nhà nước giao không thu tiền khi tiến hành chuyển nhượng
Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền được quy định tại Điều 173, Điều 179 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai, cụ thể như sau:
a. Đối với tổ chức
Theo quy định tại khoản 2 điều 173 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.”
Như vậy, tổ chức không được tiến hành chuyển nhượng đất đối với loại đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
b. Đối với cá nhân, hộ gia đình
Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
….
c) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
…..
Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.”
Khác với tổ chức, đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất được nhà nước giao không thu tiền có thể được tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chỉ được chuyển nhượng đối với loại đất nông nghiệp được nhà nước giao trong hạn mức không thu tiền.
4. Chế tài khi chuyển nhượng đất được nhà nước giao không thu tiền
Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước công nhận theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất (trừ trường hợp đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân), Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm, Nhà nước giao có thu tiền hoặc cho thuê trả tiền một lần mà chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc tiền đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất không đúng đối tượng quy định tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,05 héc ta;
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta trở lên.”
Như vậy, mức phạt sẽ tùy thuộc vào số diện tích mà tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chuyển nhượng. Và tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vi phạm buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Trả lại đất theo quyết định thu hồi đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai;
+ Buộc bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chuyển nhượng bằng quyền sử dụng đất trong thời gian vi phạm; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quy định của pháp luật về hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào cần được tư vấn, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.