Tra cứu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Tra cứu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, được Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 định nghĩa tại khoản 13 Điều 3, cụ thể: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp cần có quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Để đảm bảo được các yêu cầu xác lập trên thì cần thực hiện tra cứu kiểu dáng công nghiệp. Để làm rõ được các vấn đề trên, Luật Phamlaw giới thiệu tới quý khách hàng bài viết sau đây:

Tra Cuu Va Bao Ho Kieu Dang Cong Nghiep
Tra cứu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

I. Tra cứu kiểu dáng công nghiệp

1. Vì sao cần tra cứu kiểu dáng công nghiệp

Tra cứu kiểu dáng công nghiệp được thực hiện trước khi làm thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm:

– Giảm thiểu chi phí phát sinh trong quá trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp khi kiểu dáng trùng với kiểu dáng công nghiệp đã

– Giảm rủi ro bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp khi không đáp ứng được các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

– Đánh giá được xu hướng, thị trường, đối thủ cạnh tranh và tiềm nănh cạnh tranh trong tương lai.

– Tìm kiếm được các cơ hội tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng mua bán quyền sử dụng, chuyển giao công nghệ.

2. Cách thức tra cứu kiểu dáng công nghiệp

Hiện nay có nhiều nguồn để tổ chức, cá nhân có thể tra cứu kiểu dáng công nghiệp, có thể kể đến như: Cơ sở dữ liệu điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ, Cơ sở dữ liệu điện tử của các nước khác, google images, yahoo images…hoặc sách, báo, tạp chí…

Phổ biến nhất hiện nay sẽ sử dụng Thư viện số về sở hữu công nghiệp (IpLib) của Cục Sở hữu trí tuệ, để thực hiện tra cứu tổ chức, cá nhân cần thực hiện theo những bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ tra cứu

Hồ sơ cho việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

– Tên gọi kiểu dáng công nghiệp tra cứu

– Lĩnh vực của kiểu dáng công nghiệp

– 02 bộ ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp tra cứu bao gồm các ảnh trước, sau, trái, phải, trên, dưới, ảnh tổng thể kiểu dáng

Bước 2. Nhập dữ liệu tra cứu

Tổ chức, cá nhân vào trang Thư viện số về sở hữu công nghiệp (IpLib) của Cục Sở hữu trí tuệ (http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WLogin.php ).

Sau đó nhấn vào kiểu dáng để thực hiện tra cứu.  Sau đó, nhập các thông tin của hồ sơ tra cứu vào từng tên trường tương ứng.

II. Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

1. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Muốn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cần chuẩn bị đơn đăng ký như sau:

– 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 03-KDCN Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;

– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại điểm 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, bản kiểu dáng công nghiệp phải bao gồm các nội dung sau:

+ Tên kiểu dáng công nghiệp;

+ Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp;

+ Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất;

+ Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ;

+ Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;

+ Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

– 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

– Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

– Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);

– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

2. Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Để thực hiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện theo thủ tục sau đây:

Bước 1. Nộp đơn đăng ký

Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể tự mình hoặc thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nộp đơn tại một trong ba địa điểm sau bằng cách nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện:

– Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp nộp phí đăng ký ngay khi nộp đơn. Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

Bước 2. Thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Việc thẩm định hình thức nhằm đánh giá tính hợp lệ của đơn đăng ký.

Nếu đơn đăng ký hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Nếu đơn đăng ký không hợp lệ (các trường hợp thuộc khoản 2 Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019), Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện các thủ tục sau:

– Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.

– Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối trên.

Bước 3. Công bố đơn

Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Bước 4. Thẩm định nội dung

Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện sau khi có đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công nhận là hợp lệ. Việc thẩm định nội dung nhằm đánh giá khả năng cấp Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Bước 5. Cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không thuộc trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và người nộp đơn nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Hỗ trợ dịch vụ Tra cứu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Quý khách hàng kết nối số máy nóng của Luật Phamlaw. Hỗ trợ tư vấn thủ tục, Quý khách kết nối tổng đài 1900. Phamlaw luôn sẵn sàng phục vụ.

5/5 - (1 bình chọn)