Tra cứu và đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục sở hữu trí tuệ
Nhãn hiệu là một trong bảy đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Nhãn hiệu được Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định bao gồm: nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Mỗi loại nhãn hiệu này lại có nét đặc trưng riêng vi dụ như người sử dụng nhãn hiệu, chức năng của nhãn hiệu… nên đổng thời dẫn đến yêu cầu khi đăng ký nhãn hiệu cũng khác nhau. Việt Nam là một quốc gia có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều sản vật địa phương… nên nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tập thể hiện nay cũng rất cao. Khẳng định điều này bởi đăng ký nhãn hiệu tập thể giúp cho những người dân trong vùng có sản vật, nghề truyền thống… có thể phát triển sản xuất và cải thiện đời sống. Để làm rõ các quy định liên quan đến đăng ký nhãn hiệu tập thể, Luật Phamlaw giới thiệu tới quý khách hàng nội dung tư vấn như sau.

I. Nhãn hiệu tập thể là gì?
Như đã nói ở trên, nhãn hiệu tập thể là một loại của nhãn hiệu, được định nghĩa tại khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, cụ thể:
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Từ định nghĩa trên có thể nhận thấy đầu tiên là chức năng của nhãn hiệu tập thể: để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của thành viên tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với những tổ chức, cá nhân không là thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu.
Điều có thể nhận thấy tiếp theo là chử sở hữu nhãn hiệu tập thể là một tổ chức (tổ chức này phải được thành lập hợp pháp) và người sử dụng nhãn hiệu tập thể là thành viên của tổ chức đó.
Để sử dụng được nhãn hiệu tập thể, tổ chức tập thể phải đăng ký nhãn hiệu tập thể. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019:
Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
II. Tra cứu nhãn hiệu tập thể
Để đảm bảo được khả năng được bảo hộ nhãn hiệu tập thể cao, tổ chức tập thể cần thực hiện các hoạt động tra cứu đối với nhãn hiệu tập thể của mình.
Trước khi thực hiện việc tra cứu, tổ chức tập thể cần đảm bảo rằng nhãn hiệu của tổ chức mình đáp ứng được các điều kiện chung đối với nhãn hiệu (Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) và không thuộc trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu (Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019).
Có hai cách tra cứu nhãn hiệu tập thể:
Cách 1. Tra cứu thông thường
Trước khi thực hiện tra cứu nhãn hiệu tập thể, tổ chức tập thể cũng cần làm rõ các khái cạnh sau của nhãn hiệu:
– Tên nhãn hiệu.
– Nhóm hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu: việc phân loại nhóm nhãn hiệu này sẽ được căn cứ vào Bảng phân loại hàng hóa, dịch vụ (theo Thỏa ước Nice lần thứ 11). Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ được chia thành 45 nhóm, từ nhóm 1 đến nhóm 34 là các nhóm về hàng hóa, từ nhóm 35 đến nhóm 45 là các nhóm về dịch vụ.
– Phân loại hình của nhãn hiệu tập thể: việc phân loại hình căn cứ vào Bảng phân loại quốc tế về các yếu tố hình của nhãn hiệu (hay còn gọi là phân loại Viên).
Các bước tra cứu nhãn hiệu tập thể bao gồm:
Bước 1. Truy cập vào thư viện số về Sở hữu công nghiệp (Ip Lib) của Cục Sở hữu trí tuệ (http://iplib.noip.gov.vn/)
Bước 2. Nhập thông tin nhãn hiệu cần tra cứu
Những thông tin tra cứu cơ bản là: nhãn hiệu tìm kiếm, nhóm hàng hóa dịch vụ, phân loại hình, tên sản phẩm dịch vụ.
Bước 3. Tìm kiếm
Sau khi nhập các thông tin cần thiết thì ấn vào nút tìm kiếm.
Sau đó thực hiện tham khảo và đánh giá xem nhãn hiệu của mình có trùng hay tương tự với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đã đăng ký bảo hộ không.
Cách 2. Tra cứu nâng cao
Cách tra cứu này được thực hiện khi tổ chức tập thể ủy quyền cho một tổ chức đại diện quyền sở hữu công nghiệp làm việc với một chuyên viên để tiến hành gửi hồ sơ tra cứu nhãn hiệu cho chuyên viên, chuyên viên sẽ trực tiếp tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Với cách tra cứu này, khả năng nhãn hiệu tập thể được bảo hộ sẽ cao hơn. Và cách tra cứu này sẽ mất phí tra cứu.
III. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể
Để đăng ký nhãn hiệu, tổ chức tập thể có thể tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức thực hiện dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể
Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký nhãn hiệu tập thể bao gồm:
– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý).
– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
– Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện.
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác.
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Bước 2. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể
Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể được thực hiện theo hai hình thức:
Hình thức 1. Nộp đơn đăng ký giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến một trong các địa điểm sau:
– Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
Hình thức 2. Nộp đơn trực tuyến
Để nộp được đơn trực tuyến, người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3. Thẩm định hình thức
Thẩm định hình thức nhằm xác định tính hợp lệ của đơn đăng ký nhãn hiệu. Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu, sẽ xảy ra hai trường hợp với đơn đăng ký:
Thứ nhất đơn đăng ký không hợp lệ. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục sau:
– Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
– Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.
– Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.
Thứ hai, đơn đăng ký hợp lệ hoặc người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thực hiện thủ tục cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 118 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.
Thời gian thẩm định hình thức không quá 01 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký.
Sau khi đơn đăng ký đã được chấp nhận hợp lệ thì sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Thời gian công bố đơn đăng ký nhãn hiệu không quá 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
Bước 4. Thẩm định nội dung
Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhằm đánh giá khả năng cấp văn bằn bảo hộ.
Thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Bước 5. Nhận Giấy chứng nhận
Việc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được đặt ra khi đơn đăng ký nhãn hiệu không thuộc các trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và người nộp đơn nộp lệ phí. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
———————–
Tổng đài tư vấn 1900 – Hotline hỗ trợ dịch vụ 097 393 8866 hoặc 091 611 0508