Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

Thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

Sản xuất rượu theo quy định của pháp luật là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Một trong những điều kiện quan trọng mà cơ sở cần phải đáp ứng đó là phải có Giấy phép sản xuất rượu. Pháp luật quy định như thế nào về thủ tục xin giấy phép sản xuất rượu công nghiệp? Trong bài viết dưới đây, Phamlaw sẽ đi làm rõ vấn đề này.

Cơ sở pháp lý

Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về  kinh doanh rượu;

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều khiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp là gì?

– Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.

Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp khi tiến hành sản xuất rượu công nghiệp.

Giay Phep San Xuat Ruou Cong Nghiep
Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

Vì sao phải xin giấy phép sản xuất rượu công nghiệp?

– Pháp luật hiện nay quy định “Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép”.

Theo quy định ở trên thương nhân tiến hành sản xuất rượu công nghiệp bắt buộc phải xin giấy phép sản xuất rượu.

– Ngoài ra khi thương nhân sản xuất rượu công nghiệp không có giấy phép sản xuất rượu còn bị xử phạt như sau:  “ Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt sau: “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng” đối với đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp; chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá; sản xuất sản phẩm thuốc lá; kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc sản phẩm thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính”. Như vậy cơ sở sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân muốn xin cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện sau:

“1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.

3. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

4. Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.

5. Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu.

6. Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu”.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp

1. Được bán rượu do doanh nghiệp sản xuất (trực tiếp hoặc thông qua công ty thành viên, chi nhánh trực thuộc) cho các thương nhân có Giấy phép phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ và thương nhân mua rượu để xuất khẩu.

2. Được trực tiếp bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ đối với rượu do mình sản xuất tại các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Được mua trong nước hoặc nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm.

4. Được mua rượu của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để chế biến lại.

5. Tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

6. Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP”.

Thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

– Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu.

– Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp sẽ tùy vào quy mô sản xuất mà sẽ do Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương cấp.

Trình tự thực hiện

Bước 1: Thương nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Cách thức thực hiện

– Nộp trực tiếp.

– Qua đường bưu điện.

– Gửi hồ sơ trực tuyến.

Bước 2: Xem xét hồ sơ

+ Công chức tiếp nhận kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện. Việc hướng dẫn phải ghi vào văn bản, trong đó ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ cần bổ sung, hoàn thiện; công chức tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày trả kết quả, thu lệ phí theo quy định và chuyển hồ sơ cho cơ quan chuyên môn giải quyết.

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, xem xét và cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

+ Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.

Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số17/2020/NĐ-CP.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

– Bản sao Bản công bố sản phẩm rượu hoặc bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc bản sao một trong các giấy chứng nhận sau: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000).

– Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà doanh nghiệp sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.

– Bản sao bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn và quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của cán bộ kỹ thuật.

(Bản sao kèm bản chính để đối chiếu nếu nộp trực tiếp, Bản sao có chứng thực nếu gửi hồ sơ qua bưu điện)

– Số lượng hồ sơ: 1 bộ

Thời hạn của giấy phép

Điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định thời hạn Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp là 15 năm.

Nếu muốn tiếp tục sử dụng mà Giấy phép sắp hết thời hạn có hiệu lực thì thương nhân phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép. Cụ thể:

Thương nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép trước thời hạn hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày. Hồ sơ, thẩm quyền, thủ tục cấp lại đối với quy định lại khoản 1 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP áp dụng như quy định đối với trường hợp cấp mới.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp… Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)