Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Maianh…..@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Tôi là nhân viên giao hàng tại một Công ty X có tư cách pháp nhân trên địa bàn TP.Hà Nội, vừa rồi trong lúc giao hàng, tôi đã bất cẩn làm vỡ bình hoa 15 triệu của khách hàng, dẫn đến người bị ảnh hưởng đòi Công ty tôi bồi thường 15 triệu. Công ty yêu cầu tôi phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền 15 triệu đồng cho công ty. Vậy việc công ty yêu cầu tôi đền bù như vậy có đúng không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Pháp nhân là gì?

Pháp nhân được quy định tại điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Tuy không quy định cụ thể về khái niệm, nhưng qua các điều kiện thì có thể đưa ra một khái niệm cơ bản của pháp nhân. Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật.

Hành vi của người đại diện, của thành viên pháp nhân ngoài việc mang lại quyền cho pháp nhân; thì cũng mang lại nghĩa vụ cho chính pháp nhân đó. Nếu những thành viên của pháp nhân gây thiệt hại khi thực hiện công việc của pháp nhân giao cho thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại.

2. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại hại do người của pháp nhân gây ra

Chủ thể phải bồi thường trong trường hợp này là pháp nhân, do đó cần xác định rõ các điều kiện của một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân hay không. Bởi trong nhiều trường hợp, thành viên của tổ chức gây thiệt hại nhưng tổ chức đó không có tư cách pháp nhân thì việc bồi thường không thuộc trường hợp này.

Chủ thể thực hiện bồi thường phải có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, bao gồm:

– Được thành lập hợp pháp

– Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

– Nhân danh chính mình khi tham gia các quan hệ pháp luật độc lập.

Do đó, nếu tổ chức không có tư cách pháp nhân mà thành viên của tổ chức đó nếu có gây ra thiệt hại thì pháp nhân không phải thực hiện bồi thường. Việc đặt ra trách nhiệm bồi thường cho pháp nhân trong trường hợp này do xuất phát từ nguyên tắc thiệt hại được khắc phục nhanh chóng và kịp thời mà thông thường pháp nhân có khả năng tài sản cao hơn khả năng của cá nhân. Chính bởi vậy, nếu người của pháp nhân gây ra thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ mà pháp nhân giao thì pháp nhân phải bồi thường cho người bị thiệt hại để tổn thất của người bị thiệt hại được khắc phục nhanh chóng kịp thời.

3. Bồi thường thiệt hại do pháp nhân gây ra

Theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015, Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Theo nguyên tắc chung, người trực tiếp gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên trong trường hợp người gây thiệt hại là người của pháp nhân đang thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao thì pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường. Nội dung này của Điều 597 BLDS năm 2015 kế thừa toàn bộ từ Điều 618 BLDS năm 2005. Quy định này của BLDS năm 2005 cũng như BLDS năm 2015 là hợp lý nhằm bảo vệ kịp thời và nhanh chóng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Thông thường pháp nhân là người có khả năng kinh tế cao hơn khả năng kinh tế của cá nhân người gây thiệt hại. Mặt khác, người gây thiệt hại khi đang làm nhiệm vụ cho pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân nên pháp nhân là chủ thể trực tiếp theo quy định của pháp luật có trách nhiệm bồi thường là phù hợp.

Theo quy định này của BLDS năm 2015, cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường của pháp nhân trong trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại khi và chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, người gây thiệt hại là người của pháp nhân. Điều này được thể hiện qua sự thừa nhận của pháp nhân hoặc qua hợp đồng lao động hợp pháp được ký giữa pháp nhân và người lao động (người của pháp nhân),…

Thứ hai, thời điểm gây thiệt hại phải trùng với thời điểm người của pháp nhân đang thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao (căn cứ hợp đồng lao động, lời khai của các bên, người làm chứng về việc giao nhiệm vụ đột xuất nếu không có thỏa thuận trước trong hợp đồng,…)

Nếu trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại nhưng không đáp ứng đủ hai yêu cầu trên thì pháp nhân không có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng và trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên. Trong trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường của pháp nhân, thì dựa vào mức độ lỗi, người của pháp nhân phải hoàn trả khoản tiền theo quy định của pháp luật. Vì vậy, bạn có thể thỏa thuận với công ty về việc giảm số tiền đền bù xuống do hoàn cảnh gia đình khó khăn hay vì lý do khách quan nào đó mà bạn bất cẩn làm vỡ. Bởi việc công ty đẩy mọi trách nhiệm cho người lao động sẽ tạo áp lực lớn cho người lao động, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính nhân văn.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về nội dung bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)