Doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể đúng hạn theo luật định có thể bị xử phạt

Tóm tắt câu hỏi về: Doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể đúng hạn theo luật định có thể bị xử phạt

Xin chào Luật sư PhamLaw! Luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề như sau: Công ty tôi đang làm thực hiện thủ tục giải thể, đã ban hành quyết định giải thể từ ngày 15/08 và gửi quyết định giải thể đến cơ quan Thuế để quyết toán thuế và khóa mã số thuế. Tôi cho rằng, sau khi thực hiện xong thủ tục tại cơ quan Thuế, và hủy con dấu, công ty tôi sẽ nộp hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, trong đó có quyết định giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, tôi được một người bạn, là giám đốc công ty đối tác nói rằng pháp luật quy định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giải thể tôi phải gửi quyết định đó đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Vậy, Luật sư có thể tư vấn cho tôi, nếu bây giờ công ty tôi gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh thì có bị xử phạt gì không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể đúng hạn theo luật định có thể bị xử phạt
Doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể đúng hạn theo luật định có thể bị xử phạt

Trả lời:

Chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đến Hòm thư tư vấn của công ty Luật PhamLaw. Đối với câu hỏi của anh, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Nghị định số 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;

Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

2. Nội dung tư vấn

Trong giai đoạn tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, và thể hiện vị trí tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội, trên cơ sở phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hệ thống pháp luật nước ta đang ngày càng được quan tâm và hoàn thiện. Như một điều tất yếu, quy định của pháp luật được đặt ra nhằm đảm bảo trật tự xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra trong đời sống, do đó, chế tài xử phạt vi phạm mang tính răn đe, giáo dục là yêu cầu thiết yếu. Và không nằm ngoài quy luật đó, pháp luật đặt ra chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp. Cụ thể, trong khuôn khổ bài viết này, công ty Luật PhamLaw xin được giới thiệu về chế tài xử lý vi phạm quy định về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Thứ nhất, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp

Chế định về giải thể doanh nghiệp được quy định từ Điều 201 đến Điều 205 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về các nội dung như: trường hợp giải thể doanh nghiệp, điều kiện để giải thể, trình tự và thủ tục giải thể, hồ sơ giải thể và các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể. Cụ thể, trình tự, thủ tục giải thể được quy định tại Điều 202 Luật Doanh nghiệp như sau:

  • Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần tiến hành họp và thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp.
  • Tiến hành tổ chức thanh lý tài sản còn lại của doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên công ty/Hội đồng quản trị, hoặc chủ sở hữu công ty phải trực tiếp thanh lý. Trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng;

  • Trong vòng 07 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp (theo mẫu quy định), quyết định giải thể và biên bản họp đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động. Và niêm yết công khai quyết định giải thể tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì kèm theo thông báo và quyết định giải thể gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế phải có phương án giải quyết nợ, đồng thời gửi đến các chủ nợ của doanh nghiệp.

  • Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp cũng như hoàn tất các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thủ tục giải thể doanh nghiệp

Tương ứng với quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp nêu trên, Điều 36 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tiến hành thủ tục giải thể đối với doanh nghiệp thuộc các trường hợp bắt buộc giải thể;

b) Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn quyết định giải thể và biên bản họp tới cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Buộc gửi quyết định giải thể và biên bản họp tới cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này”.

Như vậy, hành vi không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn (07 ngày) quyết định giải thể và biên bản họp tới cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp buộc gửi quyết định giải thể và biên bản họp đối với các chủ thể luật định.

Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể đúng hạn theo luật định có thể bị xử phạt. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng!

 

 

5/5 - (6 bình chọn)