Thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh

Thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh

Thành lập địa điểm kinh doanh là thủ tục hành chính được doanh nghiệp thực hiện khi muốn mở rộng địa điểm kinh doanh, thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh sẽ được thực hiện tại Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính của địa điểm kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh, dưới đây Luật Phamlaw sẽ hướng dẫn theo quy định pháp luật mới nhất để Quý khách hàng có thể tham khảo.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT

Các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm,…).

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Địa điểm kinh doanh là gì?

Theo quy định tại khoản 3 điều 44 Luật doanh nghiệp 2020 thì Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Ví dụ: Công ty X có trụ sở chính ở quận Đống Đa, Hà Nội và một số cửa hàng của công ty tại Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Theo quy định hiện nay, ngoài trụ sở chính, công ty X có thể lập địa điểm kinh doanh cho các cửa hàng đã nêu trên với điều kiện các cửa hàng ở Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm phải có đăng ký kinh doanh.

Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Địa điểm kinh doanh được phép kinh doanh những ngành nghề mà công ty đã đăng ký nhưng không phải tất cả mà chỉ là một nhóm ngành cụ thể mà doanh nghiệp lựa chọn từ ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ. Địa điểm kinh doanh là đơn vị hạch toán phụ thuộc. Theo đó những doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vị kinh doanh của mình nhưng không muốn phát sinh các thủ tục kê khai thuế phức tạp như chi nhánh nhưng lại có thể phát sinh được hoạt động kinh doanh (khác với văn phòng đại diện công ty chỉ là nơi giao dịch, giới thiệu sản phẩm) thì nên lựa chọn hình thức thành lập địa điểm kinh doanh.

2. Các yêu cầu khi thành lập địa điểm kinh doanh

2.1. Quy định về tên của địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp thì:

– Tên địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:

+ Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

+ Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”

+ Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh.

– Ngoài tên bằng tiếng Việt, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

– Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

– Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức.

2.2. Quy định về nơi đặt địa điểm kinh doanh

Nơi đặt địa điểm kinh doanh: Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký ở ngoài địa chỉ trụ sở chính. Doanh nghiệp được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh hoặc khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

2.3. Quy định về phạm vi ngành nghề tại địa điểm kinh doanh

Ngành nghề nào tại địa điểm kinh doanh là do doanh nghiệp quyết định. Do đó, không có quy định nào về phạm vi ngành nghề đối với địa điểm kinh doanh (điều này không thể hiện trong giấy phép đăng ký địa điểm kinh doanh).

3. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh

Theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP trình tự, thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị thông tin cho việc thành lập địa điểm kinh doanh;

Doanh nghiệp cần chuẩn bị thông tin cho việc thành lập địa điểm kinh doanh như thông tin địa chỉ địa điểm kinh doanh, người đứng đầu địa điểm kinh doanh.

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh theo quy định;

Hồ sơ thông báo lập địa điểm kinh doanh bao gồm các giấy tờ sau:

– Thông báo lập địa điểm kinh doanh (Mẫu Phụ lục II-7 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)

+ Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp thì thông báo địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký.

+ Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh thì thông báo địa điểm kinh doanh do người đứng đầu chi nhánh ký.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Nộp hồ sơ thành lập địa điểm đến Phòng Đăng ký kinh doanh

Sau khi soạn thảo xong hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ bằng hình thức online (trực tuyến) qua cổng thông tin quốc gia

Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo kết quả xử lý hồ sơ;

+ Nếu hồ sơ hợp lệ thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh, đồng thời cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ và các bạn nộp lại hồ sơ sửa đổi, bổ sung, sau đó chờ kết quả như ban đầu.

Hồ sơ sau khi được nộp sẽ được sở kế hoạch đầu tư xem xét tính hợp pháp để tiến hành cấp giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh hoặc yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Bước 5: Cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia và cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh

Sau khi thẩm định và xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, sở kế hoạch đầu tư sẽ tiến hành cập giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp và đăng thông tin thông tin địa điểm trên cơ sở dữ liệu.

LƯU Ý KHI THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH

  • Địa điểm kinh doanh không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng;
  • Chế độ kế toán của địa điểm kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào trụ sở chính của công ty hoặc chi nhánh chủ quản;
  • Địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn với trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản.
  • Mỗi địa điển kinh doanh của doanh nghiệp dù không phát sinh nghĩa vụ kê khai thuế, mở sổ sách kế toán riêng nhưng phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm (khác với văn phòng đại diện công ty không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế môn bài).
  • Đối với địa điểm kinh doanh có địa chỉ cùng với tỉnh, thành phố với doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản thì chỉ phải kê khai và đóng thuế môn bài theo địa chỉ của doanh nghiệp hoặc chi nhánh.
  • Đối với địa điểm kinh doanh không phát sinh hoạt động kinh doanh thì: Đăng ký cam kết không phát sinh hoạt động kinh doanh;
  • Đối với địa điểm kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh: địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của đơn vị chủ quản cho từng địa điểm kinh doanh, gửi Thông báo phát hành hóa đơn của từng địa điểm kinh doanh; kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế nơi địa điểm đặt.

4. Ưu điểm và nhược điểm khi thành lập địa điểm kinh doanh công ty

a. Ưu điểm khi thành lập địa điểm kinh doanh

Thành lập địa điểm kinh doanh có rất nhiều ưu điểm hơn so với chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện. Cụ thể:

+ Địa điểm kinh doanh không có mã số thuế mà chỉ có mã số đơn vị trực thuộc.

 + Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh đơn giản, nhanh chóng hơn.

+ Khi chấm dứt địa điểm kinh doanh: Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu muốn kinh doanh lại địa điểm kinh doanh đã đăng ký thì làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh, thủ tục rất gọn nhẹ, nhanh chóng thường chỉ từ 05-07 ngày làm việc thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh đặt trụ sở; không phải làm các thủ tục chốt thuế hay trả con dấu chấm dứt hoạt động như chi nhánh, Văn phòng đại diện.

b. Nhược điểm của địa điểm kinh doanh

+ Địa điểm kinh doanh không có quyền đăng ký con dấu riêng và phải kê khai thuế phụ thuộc công ty mẹ và không có tư cách pháp nhân.

+ Địa điểm kinh doanh được thành lập không thể khắc dấu riêng cho mình, nó chịu sự quản lý, giám sát, hoạch toán rất chặt chẽ và là bộ phận dính liền với công ty mẹ. Do đó nếu trong trường hợp cần ký hợp đồng, xuất hóa đơn, hoặc ghi nhận chi phí bằng hóa đơn thì công ty mẹ sẽ thực hiện thay cho địa điểm này.

Trên đây là toàn bộ những vấn đề bạn cần biết về thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh. Hãy tham khảo bài viết thật kỹ để thực hiện được đúng các trình tự, thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh mà pháp luật quy định. Nếu như doanh nghiệp của bạn cần thực hiện dịch vụ đăng ký địa điểm kinh doanh hoặc cần tư vấn các vấn đề liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất. Luật Phamlaw cam kết tư vấn và thực hiện thủ đăng ký địa điểm kinh doanh trong thời gian sớm nhất với mức chi phí hợp lý nhất.

5/5 - (1 bình chọn)