Các trường hợp vi phạm việc mang thai hộ
Nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngành y tế, hình thức mang thai hộ được ra đời và được pháp luật ghi nhận. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng đối với các cặp vợ chồng không thể sinh con và có thể nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ các quy định của việc mang thai hộ, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đã vi phạm về việc mang thai hộ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật hôn nhân và gia đình 2014
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Mang thai hộ là gì?
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ mang thai và sinh con thay cho người khác.
Theo Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì có 02 hình thức mang thai hộ:
– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con (khoản 22 điều 3Luật hôn nhân và gia đình 2014)
– Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác (khoản 23 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014)
Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại ( điểm g khoản 2 điều 5) và xử phạt đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại (điều 187 BLHS 2015: Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại )
2. Các trường hợp vi phạm việc mang thai hộ
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được pháp luật cho phép và công nhận tuy nhiên một số trường hợp bị nghiêm cấm cụ thể :
Trường hợp 1: Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi; sinh sản vô tính (Điểm g Khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014):
+ Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác (Khoản 23 Đ3 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
+ Lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm các hành vi chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm,..loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. Hành vi này vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh dân số 2003
+ Sinh sản vô tính là phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh (không phân biệt giới tính). Bằng phương pháp này, các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản. Bằng việc tạo ra hàng loạt các phiên bản khác nhau từ các tế bào của nguyên bản mà không phụ thuộc vào giới tính của nguyên bản, người ta gọi là nhân bản vô tính ( Cừu Dolly là kết quả đầu tiên của nhân bản vô tính được tạo ra ngày 5/7/1996 tại Anh). Không chỉ Việt Nam mà pháp luật nhiều nước cấm sinh sản vô tính người ( Mỹ , Trung Quốc, Tây Ban Nha,..) Người ta cho rằng, việc sinh sản vô tính ở người có thể đặt xã hội trước những thảm họa khôn lường, nhiều người coi sinh sản vô tính người là tội ác chống lại loài người.
Trường hợp 2: Vi phạm pháp luật về điều kiện đáp ứng việc mang thai hộ:
Đó là trường hợp một bên hoặc các bên tham gia không được nhờ mang thai hộ (người nhờ mang thai hộ không phải là các cặp vợ chồng vô sinh, hoặc họ là các cặp vợ chồng vô sinh tại thời điểm mang thai hộ nhưng trước đó đã có con chung, hoặc 2 người vẫn có khả năng áp dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản để có con) hoặc là người không được phép tiến hành mang thai hộ (không là người thân thích họ hàng, chưa từng mang thai và sinh con hoặc đã mang thai hộ trước đó, hay người phụ nữ mang thai hộ đang tồn tại quan hệ hôn nhân nhưng không có sự đồng ý của người chồng)
Trường hợp 3 : Chủ thể tham gia có sự vi phạm về quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định tại điều 97 (quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ) và Điều 98 (quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ) theo Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Đây có thể là trường hợp một bên từ chối nhận hoặc giao con khi trẻ được sinh ra hoặc bên nhờ mang thai hộ không hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
3. Thực trạng các trường hợp vi phạm pháp luật về việc mang thai hộ ở Việt Nam
Thứ nhất , mang thai hộ nhưng trái với mục đích nhân đạo :
Quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam nêu rõ việc người mang thai hộ phải là người thân của vợ hoặc chồng. Quy định này nhằm kiểm soát việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hiện nay, có 5 bệnh viện trên cả nước được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Trung ương Huế nhưng mà lại rất ít các đôi vợ chồng đến các đơn vị này làm thủ tục nhờ mang thai hộ do quá trình khám sức khoẻ, thủ tục lằng nhằng, mất thời gian khiến nhiều người lựa chọn hình thức khác trái pháp luật. Hàng loạt đường dây mang thai hộ âm thầm hoạt động. Trên các trang mạng, các diễn đàn mạng xã hội luôn xuất hiện các quảng cáo dịch vụ đẻ thuê mà không thông qua bất kỳ cơ quan, tổ chức y tế nào . Do đó mà dẫn đến tình trạng đẻ thuê chui làm mất đi tính nhân văn của việc mang thai hộ.
Thứ hai, Tình trạng mang thai hộ không đảm bảo đúng các điều kiện mà pháp luật quy định:
Chẳng hạn như điều kiện cần đối với người mang thai hộ là dưới 35 tuổi ( độ tuổi phù hợp cho việc sinh con) . Nhưng hiện nay dù chưa đủ điều kiện về tuổi, quá số tuổi ,..vẫn thực hiện mang thai hộ mà không có sự xác nhận của các tổ chức y tế. Ngoài ra các điều kiện về sức khoẻ , tâm lý của người mang thai hộ cũng không được bảo đảm hay kiểm tra đúng trình tự , thủ tục y tế mà pháp luật đã quy định.
Thứ ba, tình trạng nhiều thoả thuận mang thai hộ hoàn toàn không rõ ràng, không đúng trình tự, sai phạm về quy định điều khoản theo pháp luật quy định… dẫn đến tình trạng cả người nhờ mang thai hộ và người được nhờ đều mâu thuẫn về lợi ích như thiếu các điều khoản về hậu quả pháp lý sau khi mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ các bên , trách nhiệm khi có các sai phạm trong hợp đồng… từ đó xảy ra các tình trạng người mang thai sau khi sinh không trả lại con cho người thuê dù đã nhận hết tiền , hoặc có hành vi doạ nạt vòi vĩnh đòi thêm tiền từ người mang thai hộ .
Trên đây là tư vấn của Phamlaw về các trường hợp vi phạm việc mang thai hộ. Nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng kết nối tổng đài 19006284 của chúng tôi. Để được hỗ trợ dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.