Điều kiện kinh doanh dịch vụ phát hành hóa đơn điện tử

Điều kiện kinh doanh dịch vụ phát hành hóa đơn điện tử

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Maithao….@gmail.com với nội dung như sau:

Đến quý 3 năm 2022, chúng tôi gồm 3 người có kế hoạch thành lập công ty TNHH với dịch vụ  chính là phát hành hóa đơn điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên chúng tôi tìm hiểu và được biết dịch vụ phát hành hóa đơn điện tử là loại hình kinh doanh có điều kiện. Vậy chúng tôi muốn hỏi rõ về quy định có liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ này để chúng tôi chủ động tiến hành thủ tục, hồ sơ thành lập ngay tại thời điểm này. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Thông tư 78/2021/TT-BTC

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hóa đơn điện tử là gì?

Hóa đơn điện tử là hệ thống tập hợp những thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng các phương tiện điện tử.

Sử dụng hóa đơn điện tử là một trong những phương tiện rất phù hợp với tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp có thể phát hành, phân phối, xử lý nghiệp vụ và đặc biệt những hóa đơn điện tử có thể thay thế cho các hóa đơn giấy khác.

2. Vai trò của hóa đơn điện tử

Hóa đơn điện tử được được coi là bước cải cách hành chính Thuế mới, giúp DN cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, từ đó làm lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định chậm nhất là 1/7/2022 DN phải hoàn thành chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử. Đây không chỉ là quy định bắt buộc của Chính phủ về thời gian áp dụng hóa đơn điện tử mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp chủ động và linh thời gian chuẩn bị chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Hóa đơn điện tử là giải pháp cho doanh nghiệp thời công nghệ, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch như góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí cho Doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế.

Ngoài ra, hóa đơn điện tử mang đến nhiều lợi ích tích cực cho doanh nghiệp, từ việc cung cấp đa dạng giải pháp thanh toán cho khách hàng, gửi và nhận thanh toán linh động. Lập hóa đơn điện tử ngay trên di động, thúc đẩy quá trình nhận thanh toán và hạch toán kế toán nhanh chóng. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình vận hành và bước đầu bước chân vào thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố chuyên môn nghiệp vụ mà còn thể hiện ở lợi thế và thực lực trong việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đòi hỏi của khách hàng. Và hóa đơn điện tử chính là công cụ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp khác trong thời đại công nghệ số.

3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ phát hành hóa đơn điện tử

Theo quy định tại điều 10 Thông tư 78/2021/TT-BTC, Tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan phải tho các tiêu chí sau:

3.1. Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua

Thứ nhất, Về chủ thể:

– Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

– Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;

Thứ hai, Về nhân sự: Có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;

Thứ ba, Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:

– Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về hóa đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;

– Có giải pháp nhận, truyền dữ liệu hóa đơn điện tử với người sử dụng dịch vụ; giải pháp truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế thông qua tổ chức nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;

– Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu hóa đơn điện tử;

– Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.

3.2. Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử

Thứ nhất, Về chủ thể:

– Là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có tối thiểu 05 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin;

– Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;

Thứ hai, Về tài chính: Có ký quỹ tại một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị không dưới 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ;

Thứ ba, Về nhân sự: Có tối thiểu 20 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;

Thứ tư, Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:

– Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về hóa đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;

– Có giải pháp kết nối, nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua; giải pháp kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;

– Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử được vận hành trên môi trường trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng. Trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20km và sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố;

– Hệ thống có khả năng phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các truy cập không hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia;

– Có hệ thống sao lưu, khôi phục dữ liệu;

– Kết nối với Tổng cục Thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS VPN Layer 3 hoặc tương đương, gồm 1 kênh truyền chính và 2 kênh truyền dự phòng. Mỗi kênh truyền có băng thông tối thiểu 20 Mbps; sử dụng dịch vụ Web (Web Service) hoặc hàng đợi (Queue) có mã hóa làm phương thức để kết nối; sử dụng giao thức SOAP/TCP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về điều kiện kinh doanh dịch vụ phát hành hóa đơn điện tử. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (2 bình chọn)