Xử lý hành vi giữ văn bằng gốc của người lao động
Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi đang có sự vướng mắc muốn được Quý luật sư tư vấn phương hướng giải quyết như sau: Vào tháng 01/2016, tôi bắt đầu làm việc cho một doanh nghiệp tại Hà Nội. Khi ký kết hợp đồng, họ yêu cầu tôi nộp bằng cử nhân bản gốc để họ đối chiếu. Tuy nhiên sau đó tôi không thấy công ty trả lại, còn công việc của tôi vẫn tiến hành bình thường. Đến tháng 06/2016 tôi xin nghỉ ở công ty này, trước khi nghỉ, tôi đã thực hiện bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, sổ sách và phần công việc mình phụ trách. Tuy nhiên công ty này đã giam lương của tháng 05/2016 và không hoàn trả lại bằng cử nhân cho tôi. Không đồng ý với hành động này của công ty, tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty phải thanh toán nốt tiền lương và hoàn trả bằng cử nhân nhưng cán bộ nhân viên của công ty đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không giải quyết cho tôi nên đến nay tôi vẫn chưa đòi lại được tiền lương và bằng cử nhân. Hiện tại là thời điểm cuối năm nên tôi đã nhiều lần yêu cầu họ giải quyết dứt điểm cho tôi trong năm nay thì công ty này trả lời tôi phải trả phí là 700.000 đồng vì đây là tiền phạt do trong thời gian còn làm việc tôi không thực hiện sale đủ doanh số thì họ mới trả cho tôi bằng cử nhân, trong khi tôi đã thực hiện bàn giao lại tất cả trước khi nghỉ việc rồi. Vậy Quý luật sư cho tôi hỏi việc làm của công ty này có đúng với quy định của pháp luật không và làm thế nào để tôi có thể đòi lại được tiền lương và bằng cử nhân của tôi. Kính mong được Quý luật sư tư vấn.
Trân trọng cảm ơn!
(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của PHAMLAW).
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của PHAMLAW. Về vướng mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Qua câu hỏi của Quý khách, chúng tôi thấy Quý khách cần được giải quyết hai vấn đề với công ty cũ sau khi nghỉ việc đó là lấy lại bằng cử nhân và tiền lương tháng 05/2016.
Thứ nhất, về hành vi giữ bằng cử nhân của công ty: tại Điều 20 Bộ luật lao động 2012 có quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Căn cứ theo quy định tại Điều luật trên thì hành vi giữ bằng cử nhân bản gốc của công ty này là trái với quy định của pháp luật lao động. Quý khách hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty này hoàn trả lại cho mình bằng cử nhân vì hành vi giữ bằng cử nhân của nguời sử dụng lao động là vi phạm pháp luật.
Thứ hai, về hành vi không trả lương tháng 05/2016 và yêu cầu Quý khách phải trả 700.000 đồng để được trả lại bằng cử nhân: Như đã trình bày ở trên, hành vi giữ bằng cử nhân của người sử dụng lao động là vi phạm pháp luật, như vậy công ty này hoàn toàn không có quyền yêu cầu Quý khách trả 700.000 đồng để chuộc lại bằng cử nhân. Bên cạnh đó hành vi này cũng vi phạm khoản 2 Điều 20 đã nêu trên.
Tiếp theo, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 24 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động 2012 thì: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn”. Bên canh đó, Khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 cũng quy định: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”. Như vậy, Quý khách nghỉ việc từ tháng 06/2016 thì chậm nhất là tháng 07/2016 công ty phải thanh toán đầy đủ tiền lương cho Quý khách. Vì thế nên hành vi này của công ty cũng đã vi phạm pháp luật lao động.
Qua phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy công ty này đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Quý khách có thể tiến hành các công việc để giải quyết tranh chấp theo quy định của Bộ luật lao động 2012 như sau:
Khoản 5 Điều 194 có quy định: “Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.” Theo đó trước tiên Quý khách có thể tiến hành trực tiếp thương lượng với đại diện có thẩm quyền của công ty này, tuy nhiên qua thông tin từ câu hỏi của Quý khách, chúng tôi nhận thấy công ty này thiếu thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp. Vì vâỵ trong trường hợp thương lượng với công ty không đạt kết quả, Quý khách có thể làm thủ tục yêu cầu Hòa giải viên lao động giải quyết theo như quy định tại Khoản 1 Điều 201 bộ luật lao động 2012: “Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết…”. Trường hợp hòa giải không thành hoặc Quý khách không đồng ý với kết quả của Hòa giải viên lao động thì Quý khách có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Khoản 4 của Điều luật trên: “Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.”
Trên đây là ý kiến tư vấn của PHAMLAW về vướng mắc của Quý khách về “Xử lý hành vi giữ văn bằng gốc của người lao động”. Nếu Quý khách còn vướng mắc hay cần tư vấn thêm,vui lòng kết nối đến phòng tư vấn pháp lý chuyên sâu của PHAMLAW qua số tổng đài hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Quý khách hàng vui lòng kết nối tới Số hotline 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Trân trọng./.
——————————-
Phòng tố tụng pháp lý Doanh nghiệp – Phamlaw
Dịch vụ của Phamlaw