Khi nào là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật ?

Luật sư cho chúng tôi hỏi về: Khi nào là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật ?

Doanh nghiệp chúng tôi mới được thành lập, nên để tránh tình trạng công nhân bỏ việc tự do và đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả. Chúng tôi muốn hỏi một số câu hỏi liên quan như sau:

  1. Khi nào thì có thể coi là Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật?
  2. Khi người lao động tự ý bỏ việc không đến công ty làm, không viết đơn xin phép nghỉ, doanh nghiệp không thể liên hệ được với người lao động thì có được coi là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật không? (có hay không?)

Rất mong nhận được sự hồi đáp từ phía Luật sư.

>>> Tổng đài tư vấn pháp luật

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với trường hợp trên của bạn Phamlaw xin được tư vấn cho bạn như sau:

1. Khi nào có thể coi là Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật?

Người lao động bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật khi vi phạm các quy định của pháp luật lao động quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012. Theo quy định tại Điều 37 nói trên, việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động phải đáp ứng một số điều kiện phụ thuộc vào loại hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

– Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn: người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có một trong các lý do nêu tại điểm a,b,c,d,đ,e,g khoản 1 Điều 37 và tuân thủ thời hạn báo trước tương ứng với các lý do đó tại khỏan 2 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012.

– Đối với hợp đồng không xác định thời hạn: người lao động chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày làm việc bằng văn bản.

Như vậy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật khi không tuân thủ các điều kiện nêu trên căn cứ vào Điều 37 Bộ luật Lao động 2012

2. Khi người lao động tự ý bỏ việc không đến công ty làm, không viết đơn xin phép nghỉ, doanh nghiệp không thể liên hệ được với người lao động thì có được coi là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật không?

Thông thường, khi người lao động đơn phương xin nghỉ việc phải có đơn xin nghỉ việc bằng văn bản và được sự xác nhận của người sử dụng lao động. Sự xác nhận của người sử dụng lao động là căn cứ để tính thời gian báo trước cho người lao động. Nếu chưa có căn cứ để xác định thời điểm người lao động nghỉ việc thì chưa thể coi đó trường hợp người lao động tự ý bỏ việc. Vì vậy, khi người lao động tự ý bỏ việc, bỏ việc không đến công ty làm, không viết đơn xin phép nghỉ, doanh nghiệp không thể liên hệ được với người lao động thì chưa được coi là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Trong trường hợp này, công ty cần có các chứng cứ, biên bản chứng minh xác định chính xác ý định muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi: “Khi nào là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật ?”, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối đến số điện thoại hotline của chúng tôi để được tư vấn.

Trân trọng./

=========================
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết.

Công ty Luật Phamlaw

 
Hotline: 097.393.8866; Tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu
Email : pham.lawyer8866@gmail.com

 

 

Rate this post