Bản án yêu cầu huỷ bỏ các Nghi quyết đã thông qua trái pháp luật (Phúc thẩm)

Số hiệu82/2007/KDTM-PT
Tiêu đềCông ty LD khách sạn Saigon Park Hyatt: Công ty United Concord Internationl LTD (gọi tắt là UCI) kiện Công ty Radiant Investments LTD (gọi tắt là RIL) yêu cầu huỷ bỏ các Nghi quyết do đã thông qua trái pháp luật
Ngày ban hành28/08/2007
Cấp xét xửPhúc thẩm
Lĩnh vựcKinh tế

>>> Tư vấn pháp luật miễn phí

Hội đồng xét xử phúc thấm Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao nhận định: bản án sơ thẩm số531/2007/KDTM-ST ngày 04/4/2007 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng về hình thức, về nội dung; về điều kiện (nguyên tắc thông qua nghị quyết) là hợp lệ. Kết luận này của bản án sơ thẩm là không có căn cứ, không tuân thủ Hợp đồng và điều lệ của GISH cũng như luật doanh nghiệp 2005 của Việt Nam, là sai trái, cần cải sửa lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không công nhận giá trị pháp lý của ba nghị quyết mà các thành viên hội đồng quản trị đại diện của RIL và Công ty xây dựng Sài Gòn đã ký vào các ngày 10, 20 và 22 tháng 8 năm 2006 như là các nghị quyết hợp pháp của Hội đồng quản trị GISH (bao gồm: Nghị quyết về việc đăng ký lại; Nghị quyết về Chủ tịch Hội đồng quản trị và nghị quyết về tổng giám đốc). Ông Nguyễn Văn Hảo là chủ tịch Hội đồng quản trị và là Tổng giám đốc của Công ty Grand Imperial Saigon TNHH. Ông Nguyễn Văn Hảo không phải bàn giao công việc có liên quan cho ông Jaya J.B Tan và cho ông Paul Wong

Bản án số:82/2007/KDTM-PT Ngày 28 tháng 8 năm 2007

V/v yêu cầu huỷ bỏ các nghị quyết đã thông qua bằng hình thức lấy ý kiến
bằng văn bản

Nguyên đơn: Công ty United Concord Internationl LTD (gọi tắt là UCI)

Bị đơn: Công ty Radiant Investments LTD (gọi tắt là RIL)

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1/ Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn

2/ Ông Nguyễn Văn Hảo

3/ Ông Jaya J.B Tan (Dato’Jaya J.B Tan)

NHẬN THẤY

Nguyên đơn trình bày:

Công ty khách sạn Grand Imperial Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn (gọi tắt là GISH) có trụ sở tại 101 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là một Công ty liên doanh được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam theo giấy phép đầu tư số 908/GP do Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp ngày 06/07/1994 và các giấy phép điều chỉnh vào các năm 1995, 1997, 2002 và 2005.

Theo giấy phép đầu tư và các giấy phép điều chỉnh, các bên liên doanh của GISH gồm có:

Bên Việt Nam bao gồm: Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn (Gọi tắt là SGC).

Bên nước ngoài bao gồm:

+ Công ty United Concord International Ltd (gọi tắt là UCI) do ông Nguyễn Văn Hảo làm Chủ tịch đại diện.

+ Công ty Radiant Investments Limited (gọi tắt là RIL) do ông Jaya J.B Tan làm Chủ tịch đại diện.

Theo giấy xác nhận số1692/KHĐT-DN ngày 04/04/2006 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, các chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của GISH do ông Nguyễn Văn Hảo đảm nhiệm.

Tuy nhiên RIL và cá nhân ông Jaya J.B Tan tìm cách thay đổi bất hợp pháp các chức vụ nói trên của ông Nguyễn Văn Hảo trong liên doanh GISH bằng việc đưa ra đề nghị Bên nước ngoài còn lại là UCI và Bên Việt Nam là SGC ký các “Nghị quyết Hội đồng quản trị” với nội dung như sau:

– Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị về việc cập nhập Điều lệ.

– Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị về việc thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị.

– Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị về việc thay thế Tổng giám đốc.

Các nghị quyết nói trên đều do các thành viên Hội đồng quản trị đại diện RIL ký vào ngày 10/08/2006 và các thành viên Hội đồng quản trị đại diện SGC ký vào ngày 22/08/2006.

Ngày 30/09/2006, các thành viên Hội đồng quản trị đại diện UCI đã tuyên bố bác bỏ và không chấp nhận cả ba nghị quyết vừa nêu.

Ngày 04/10/2006, ông Jaya J.B Tan đã mạo danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị” gửi thư thông báo cho các bên liên doanh và các thành viên Hội đồng quản trị để thông báo việc thay đổi nhân sự và triệu tập một cuộc họp Hội đồng quản trị vào ngày 17/10/2006 nhằm yêu cầu ông Nguyễn Văn Hảo bàn giao văn phòng, con dấu công ty và các tài liệu có liên quan đến GISH cho các ông Jaya J.B Tan và Paul Wong, đồng thời chuẩn bị công việc đăng ký lại công ty theo các quyết định nói trên.

Các quyết định nói trên không được các thành viên Hội đồng quản trị đại diện UCI chấp thuận theo nguyên tắc nhất trí quy định tại Điều 8.3.1 của Điều lệ GISH nên không hợp lệ. Do đó, UCI đã làm đơn khởi kiện RIL yêu cầu Tòa án:

Hủy bỏ không chấp nhận giá trị pháp lý của 3 nghị quyết mà các thành viên Hội đồng quản trị đại diện RIL và SGC đã ký vào ngày 10/08/2006 và 22/08/2006, bao gồm: Nghị quyết về Điều lệ; Nghị quyết về Chủ tịch hội đồng quản trị và Nghị quyết về Tổng giám đốc.

Huỷ bỏ hoặc không chấp nhận giá trị pháp lý của văn thư do ông Jaya J.B Tan ký ngày 04/10/2006 về việc thông báo thay đổi Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc và triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 17/10/2006.

Bị đơn trình bày:

– Không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn.

– Yêu cầu Tòa án công nhận giá trị pháp lý của các nghị quyết nói trên.

– Yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn Hảo bàn giao công việc liên quan cho Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của GISH là ông Jaya J.B tan và cho Tổng giám đốc mới của GISH là ông Paul Wong.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

– Ông Nguyễn Văn Hảo: không có yêu cầu độc lập nhưng cũng thống nhất với ý kiến và yêu cầu của nguyên đơn. Không chấp nhận yêu cầu của bị đơn về việc bàn giao công việc cho ông Jaya J.B Tan và ông Paul Wong.

– Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn: Không có yêu cầu độc lập nhưng cũng cho rằng các nghị quyết nói trên là hoàn toàn hợp pháp như quan điểm của phía bị đơn.

– Ông Jaya J.B Tan và ông Paul Wong: không có yêu cầu độc lập nhưng cũng thống nhất với ý kiến và yêu cầu của phía bị đơn.

Tại bản án kinh doanh thương mại số531/2007/KDTM-ST ngày 04/4/2007 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Ap dụng khoảng 2, khoản 3 Điều 42, khoản 1, khoản 3 Điều 52 Luật doanh nghiệp 2005 và Điều 20 Nghị định số101/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đỏi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo luật doanh nghiệp và luật đầu tư. Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi huỷ bỏ hoặc không công nhận giá trịn pháp lý của các nghị quyết về việc đăng ký lại để hoạt động theo luật doanh nghiệp mới, chỉ định Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc mới của Công ty khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH và văn thư thông báo của đại diện Công ty United Concord International Ltd ký ngày 04/10/2006 liên quan đến các nghị quyết này.

Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, công nhận giá trị pháp lý của ba nghị quyết mà các thành viên của Hội đồng quản trị đại diện Công ty Radiant Investments LTD và tổng Công ty xây dựng Sài Gòn đã kývào các ngày 10, 20 và 22/8/2006 như là các nghị quyết hợp pháp của Hội đồng quản trị của Công ty khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH; buộc ông nguyễn Văn Hảo phải bàn giao công việc có liên quan cho Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của Công ty khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH là ông Jaya J.B Tan và cho Tổng giám đốc mới của Công ty khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH là ông Paul Wong.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 6/4/2007 (BL: 633) nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án số531/2007/KD-TM-STngày 4/4/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Cho rằng bản án sơ thẩm xử không đúng Luật pháp luật Việt Nam làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của UCI.

– Cùng ngày tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo cũng có đơn kháng cáo yêu cầu xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp thuận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bác bỏ 3 Nghị quyết không đúng pháp luật.

Sau khi nghe hai bên đương sự trình bày và nghe ý kiến của những người có quyền nghĩa vụ liên quan là tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, đại diện cho Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn và đại diện ủy quyền của ông Jaya J.B Tan (hoặc DATÓ JAYA J.B Tan) và ông Paul Wong.

Sau khi nghe Luật sư hai bên phát biểu và tranh luận.

XÉT THẤY

Khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH (gọi tắt là GISH) có trụ sở tại 101 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh là Công ty liên doanh có hợp đồng liên doanh được ký kết ngày 4 tháng 4 năm 1994 giữa 1) Bên Việt Nam-Công ty xây lắp Công nghiệp (gọi tắt là SA & E) (nay là Tổng công ty xây dựng Sài Gòn (gọi tắt là SGC). 2/ Bên nước ngoài gồm 2 công ty: a/ PengKaLen Holdings Berhad (gọi tắt là PengKaLem)- là một tập đoàn được thành lập theo luật pháp của MaLaysia. b/ Unitfed Concord International ltd (gọi tắt là UCI) được thành lập theo luật pháp Hong Kong có giấy giấy phép đầu tư số 908/GP do Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư (viết tắt là UBNN và HTĐT) cấp ngày 6/7/1994 và các giấy phép điều chỉnh vào các năm 1995, 1997, 2002 và 2005.

Căn cứ vào giấy phép điều chỉnh trên thì Công ty liên doanh GISH nêu trên gồm các bên: 1/ Bên Việt Nam bao gồm: Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn (SGC).

2/ Bên nước ngoài bao gồm: a) Công ty UCI do tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo làm Chủ tịch đại diện.

b) Công ty Radiant Investments Limited (gọi tắt là RIL) do ông Jaya J.B Tan làm Chủ tịch đại diện.

Tại biên bản phiên họp đầu tiên vào ngày 22/8/1994 Hội đồng quản trị (viết tắt là HĐQT) theo hợp đồng Liên doanh ngày 4/4/1994 và theo điều lệ Công ty Liên doanh GISH thông qua ngày 4/4/1994 đã được Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư Việt Nam phê chuẩn. Trong biên bản cũng ghi rất rõ bên nước ngoài gồm có:

– a/ RengHaLen Holdings Berhal (viết tắt PHB).

– b/ Unitted Concord International (viết tắt là UCI)

đã nhất trí thông qua quyết định: tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và là tổng giám đốc Công ty liên doanh GISH. Quyết định này đã được Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư Việt Nam phê chuẩn, và tới ngày 4/4/2006 tại văn bản số1692/KHĐT-DN của Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục xác nhận các chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc của GISH do ông Nguyễn Văn Hảo đảm nhiệm.

Sau 12 năm xây dựng, khách sạn GISH đã được hoàn thành đưa vào sử dụng (1993 – 2005). Ông Jaya J.B Tan đại diện RIL đã không thể thực hiện được nhiệm vụ chính được Hội đồng quản trị giao vay 29.316.000 USD (Hai mươi chín triệu, ba trăm mười sáu ngàn đola Mỹ) theo điều 7.3 (a) Điều lệ Công ty liên doanh qui định). Trách nhiệm này thuộc bên nước ngoài (của RIL và UCI). Khi RIL không thể vay được tiền như cam kết. Công ty UCI do ông Hảo làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc GISH. Chính ông Nguyễn Văn Hảo bằng năng lực, uy tín cá nhân và sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam và của các Ngân hàng trong nước Việt Nam, đứng ra vay được số tiền trên 31 triệu đola Mỹ để đưa vào xây dựng khách sạn. Đứng ra chịu trách nhiệm cam kết trả vốn, lãi với các Ngân hàng. Trong các hợp đồng tín dụng đều có điều khoản GISH cam kết ông Hảo là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là Tổng giám đốc GISH không được thay thế trong thời hạn 5 năm kể từ khi ký các hợp đồng tín dụng ký ngày 31/1/2006.

RIL và cá nhân ông Jaya J.B Tan không những không thừa nhận công sức đóng góp to lớn và vai trò cá nhân quyết định của tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo kể từ 1993 bắt đầu khởi xướng đề án tìm đất, thành lập Công ty liên doanh, thiết kế xây dựng, cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2005. Bất chấp các hợp đồng tín dụng vay trên 31 triệu đola Mỹ của 5 Ngân hàng Việt Nam với những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho GISH, cho ông Hảo. Bất chấp cam kết với các Ngân hàng ký tên hợp đồng tín dụng vay tiền ngày 31/1/2006 cam kết của GISH không thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Điều này qui định thành 1 điều khoản riêng là một điều kiện các Ngân hàng mới tiếp tục cho vay tiền. RIL và ông Jaya J.B Tan cũng như SGC biết rõ điều đó. Nhưng vẫn tìm thay Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Văn Hảo ra khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc GISH bằng cách ra một văn bản không thông qua cuộc họp Hợp đồng quản trị (theo qui định họp 3 tháng 1 lần). Ra 3 văn bản sau đây thay cho Nghị quyết của Hội đồng quản trị, thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị.

a/ Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị – Ký ngày 10/8/2006. Nghị quyết căn cứ vào điều 8.2 (f) của điều lệ GISH và yêu cầu một Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của RIL tại thư đề ngày 10/8/2006 gửi cho các thành viên Hội đồng quản trị (BL: 521) với nội dung:

“Hội đồng quản trị của GISH quyết nghị rằng: GISH sẽ đăng ký lại để hoạt động theo luật doanh nghiệp mới”, (BL: 525) trong đó có 7 chữ ký của 7/10 thành viên Hội đồng quản trị đã ký (Bên RIL có 4 chữ ký. Bên SGC có 3 chữ ký. Còn ông Ngô Thanh Tùng không có chữ ký và 2 chữ ký bác bỏ không chấp nhận của UCI).

b/ Nghị quyết thứ 2 – Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị của GISH có nội dung:

“Căn cứ vào điều 8.2 (f) điều lệ GISH và yêu cầu của một Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp RIL tại thư ngày 10/8/2006. Nghị quyết này được gửi đến tất cả thành viên Hội đồng quản trị để phê duyệt trên các tài liệu cùng nội dung:

Xét vì, theo điều 8.1 (c) của Điều lệ của GISH, RIL (trước đây là PHB-PengKaLen Holdings Berhad) có quyền đề cử Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị của GISH quyết nghị rằng: Hội đồng phê chuẩn việc chỉ định Dato’ Jaya J.B Tan vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị với hiệu lực ngay lập tức, thay thế ông Nguyễn Văn Hảo (văn bản này cũng có 7/10 chữ ký như Nghị quyết 1 đã nêu) (BL: 522 – 523).

c/ Nghị quyết thứ 3 – bằng văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị của GISH với nội dung:

Căn cứ vào điều 8.2 (f) điều lệ GISH và yêu cầu một Nghị quyết bằng văn bản thay cho phiên họp của RIL tại thư ngày 10/8/2006 (BL: 521), Nghị quyết này được gửi đến tất cả các thành viên Hội đồng quản trị để phê duyệt trên tài liệu cùng một nội dung.

Theo điều 9.1 (c) của Điều lệ của GISH về quyền đề cử tổng giám đốc…

Hội đồng quản trị quyết nghị rằng “Hội đồng phê chuẩn việc chỉ định ông Paul Wong vào vị trí Tổng giám đốc của GISH với hiệu lực ngay lập tức, văn bản này (BL: 519 – 520) cũng chỉ có 7/10 chữ ký tán thành còn 2 chữ ký của UCI bác bỏ, không chấp nhận).

Xét thấy bản án sơ thẩm số531/2007/KDTM-ST ngày 04/4/2007 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng về hình thức, về nội dung; về điều kiện (nguyên tắc thông qua nghị quyết) nêu trên của GISH là hợp lệ. Kết luận này của bản án sơ thẩm là không có căn cứ, không tuân thủ Hợp đồng và điều lệ của GISH cũng như luật doanh nghiệp 2005 của Việt Nam, là sai trái, cần cải sửa lại toàn bộ bản án sơ thẩm bởi lẽ sau đây.

1/ Về việc áp dụng điều luật ra 3 Nghị quyết nêu trên của GISH là sai trái, không căn cứ:

Cả 3 Nghị quyết điều áp dụng “căn cứ vào điều 8.2 (f) của Điều lệ GISH và Thư đề ngày 10/8/2006 của RIL. Điều 8.2 (f) mà Nghị quyết áp dụng và được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận như một cơ sở pháp lý để ra văn bản thay cho phiên họp Hội đồng quản trị đã được sửa đổi và đã được thông qua sự sửa đổi, có sự phê chuẩn của Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư Điều 8.2 (f) của Điều lệ GISH đã được sửa lại như sau:

– “Bất kỳ một Nghị quyết nào bằng văn bản, hoặc bằng cable, Telex hay Telefax của Hội đồng quản trị sẽ phải tuân thủ theo các thủ tục áp dụng của điều 8.2 (b)”.

Trong đó điều 8.2 (b) điều lệ GISH nêu rõ: “Các cuộc họp Hội đồng quản trị sẽ được tổ chức do Chủ tịch triệu tập, hoặc theo yêu cầu của 2/3 số thành viên của Hội đồng, hoặc của Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, tại địa chỉ hợp pháp của Công ty Liên doanh 101 Hai Bà Trưng, thành phố Hồ Chí Minh, trừ phi được đồng ý khác đi bởi các bên Liên doanh…được sự thông báo trước ít nhất 10 ngày” (BL: 329).

Như vậy RIL gửi văn bản qua Việt Nam theo địa chỉ ông Ngô Thanh Tùng ở 235 Đồng Khởi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu trả lời trong vòng 7 ngày. Trong khi đó RIL không có quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị theo điều 8.2 (b) điều lệ qui định. Thư do ông DaTó Jaya J.B Tan (của RIL) gửi cho Thành viên Hội đồng quản trị của SGC và UCI (BL 521) cũng đề nghị gửi lại văn bản thay cho phiên họp của Hội đồng quản trị trong vòng 7 ngày là không chấp hành điều 8.2 (f) đã sửa đổi và điều 8.2 (b) điều lệ GISH là vi phạm pháp luật và luật doanh nghiệp 2005 cũng không thể công nhận sự vi phạm điều lệ Công ty liên doanh (GISH) do RIL đề xuất và SGC do các thành viên Hội đồng quản trị của RIL và SGC ký tên.

Xét thấy việc sửa đổi bổ sung điều lệ GISH, thay đổi hoạt động đã đăng ký, bổ nhiệm, thay thế, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng của GISH là những vấn đề đặc biệt quan trọng được qui định riêng trong hợp đồng liên doanh (điều 14.2 (1) và điều 8.1, điều 8.3 (1) Điều lệ GISH và điều 9.1 (c) Điều lệ GISH. Những vấn đề cụ thể, chủ yếu trên sẽ được các thành viên Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí. Tại phiên toà phía bị đơn (RIL) do ông Trần Tuấn Phong đại diện ủy quyền, cũng thừa nhận. Nguyên tắc nhất trị ghi trong điều lệ và hợp đồng Liên doanh GISH, không mâu thuẫn và không trái với điều 52 Luật doanh nghiệp 2005 của Việt Nam. Những vấn đề thiết yếu đã nêu phải được toàn thể thành viên Hội đồng quản trị “họp thông qua 100%.

Tiếp theo phiên họp Hội đồng quản trị đã ra nghị quyết, bên liên doanh muốn thay đổi điều lệ và hợp đồng liên doanh GISH, thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Tổng giám đốc còn phải làm thủ tục cần thiết, phải được phê chuẩn của Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư (điều 21 điều lệ và điều 23.5 Hợp đồng liên doanh) (BL 376, BL 318).

2/ Xét về nội dung và điều kiện thông qua 3 nguyên tắc nêu trên của Hội đồng quản trị GISH do RIL và SGC đưa ra. Bản án sơ thẩm cho rằng đã có 8 thành viên chấp thuận trong số 10 thành viên Hội đồng quản trị, có 2 thành viên không đồng ý (ông Tùng sau đó có gửi chữ ký đồng ý với văn bản). Như vậy 5 thành viên Hội đồng quản trị đại diện RIL và 3 thành viên Hội đồng quản trị đại diện SGC chiếm 81% vốn điều lệ, cho rằng Luật doanh nghiệp 2005 điểm a, b khoản 2 điều 52 (qui định tỷ lệ ít nhất là 75% số vốn góp hay 65% số vốn góp) là có quyền bỏ phiếu, ký vào văn bản thay cho cuộc họp Hội đồng quản trị là áp dụng sai điều điều 52 LDN. Trong điều 52 (LDN) nói rõ “là ít nhất 65% thành viên Hội đồng quản trị dự họp” chứ không phải ký vào văn bản do RIL đưa ra và Luật doanh nghiệp 2005 qui định rõ “tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty qui định. Như đã nêu ở phần trên Điều lệ GISH và hợp đồng Liên doanh GISH để qui định rõ ràng những trường hợp nêu ra giải quyết bằng văn bản thay cho phiếu họp Hội đồng quản trị là sai trái không chấp hành điều lệ GISH và Hợp đồng Liên doanh GISH cũng như vận dụng không đúng điều 52 LDN 2005.

Bản án sơ thẩm sử dụng điều 14.2.2 của Hợp đồng liên doanh cũng như điều 8.3.2 của điều lệ liên doanh. Rồi cho rằng nguyên tắc đa số sẽ thay thế nguyên tắc nhất trí. Ở trong vụ tranh chấp này bản án sơ thẩm cho rằng nguyên tắc đa số sẽ thay thế nguyên tắc nhất trí và áp dụng luôn vào trường hợp cụ thể của RIL và SGC ký vào 3 văn bản thay cho cuộc họp Hội đồng quản trị là càng sai trái. Điều lệ Công ty liên doanh, cũng như hợp đồng liên doanh sẽ được thay đổi theo trình tự qui định trong hợp đồng liên doanh và điều lệ liên doanh qui định và phải được Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư phê chuẩn mới được áp dụng. Trong khi hợp đồng Liên doanh và điều lệ liên doanh chưa được sửa đổi, thì đã được án sơ thẩm áp dụng. Bản án sơ thẩm tự giải thích thay cho các thành viên Hội đồng quản trị, thay cho hợp đồng liên doanh và điều lệ Liên doanh, cho rằng điều 8.3 (2) điều lệ Liên doanh đương nhiên thay thế cho điều 8.3 (1) điều lệ liên doanh, nhằm hợp thức hóa cho 3 Nghị quyết không tuân thủ theo hợp đồng liên doanh và điều lệ liên doanh qui định) nêu trên cho phù với điều 52 LDN (2005) là hoàn toàn vô căn cứ không đúng pháp luật là trái pháp luật cần phải hủy bỏ.

Không phải ngẫu nhiên trong điều lệ và hợp đồng Liên doanh GISH đã được Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư phê chuẩn ghi rõ: “Những vấn đề quan trọng sau đây phải được Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí (100%) (điều 14-2-1-Hợp đồng liên doanh và điều 8-3-1-Điều Lệ liên doanh) và những vấn đề trên phải được Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư phê chuẩn (điều 23.5 hợp đồng liên doanh và điều 21 Điều lệ liên doanh). Do vậy 3 Nghị quyết nêu ở phần trên do RIL đề xuất ký bằng văn bản với nội dung đã được hợp đồng và Điều lệ liên doanh qui định là phải thông qua cuộc họp Hội đồng quản trị với quyết định theo nguyên tắc nhất trí (100%). RIL và SGC đã không chấp hành Điều lệ liên doanh, không thực hiện đúng hợp đồng liên doanh và Luật doanh nghiệp 2005. Các yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của Công ty UCI và của ông Nguyễn Văn Hảo yêu cầu toà án quyết định không công nhận giá trị pháp lý của 3 Nghị quyết nêu trên và yêu cầu hủy bỏ hai Nghị quyết về Chủ tịch Hội đồng quản trị và nghị quyết về tổng giám đốc các thành viên Hội đồng quản trị đại diện RIL và SGC đã ký vào ngày 10/8/2006 và 22/8/2006, cụ thể:

– Yêu cầu hủy bỏ văn thư do ông Jaya J.B Tan ký ngày 4/10/2006 về việc (a) Thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc và (b) triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 17/10/2006.

– Yêu cầu tiếp tục duy trì giấy xác nhận của Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh số1692/KHĐT-DN ngày 4/4/2006 xác nhận nhân sự của GISH là có cơ sở nghĩ nên chấp nhận và hủy bỏ toàn bộ nhận định của bản án sơ thẩm và sửa đổi toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm.

Xét bản án sơ thẩm cũng lại sai lầm cho rằng yêu cầu phản tố của RIL và SGC đòi công nhận giá trị pháp lý của ba nghị quyết nên ở phần trên. Đây không phải là yêu cầu độc lập phản tố lại yêu cầu của nguyên đơn, việc nêu ra yêu cầu và đưa ra cơ sở của RIL và SGC nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước yêu cầu của nguyên đơn mà thôi.

3 nghị quyết do RIL và SGC bằng văn bản thay cho cuộc họp của Hội đồng quản trị như đã nêu ở trên là không có giá trị pháp lý. Như vậy ông Dato’ Jaya J.B Tan không phải là chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Paul Wong không phải là tổng giám đốc của Liên doanh GISH. Ông Nguyễn Văn Hảo vẫn là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Liên doanh GISH đã được Ủy ban nhà nước và hợp tác đầu tư phê chuẩn cũng như tái xác nhận tại văn bản1692/KHĐT-DN ngày 4/4/2006 của Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Hảo không phải bàn giao công việc liên quan cho ông Jaya J.B Tan và ông Paul Wong như án sơ thẩm đã quyết định.

Do chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và kháng cáo của UCI và của ông Nguyễn Văn Hảo, nên án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và dự phí kháng cáo cũng được sửa đổi cho phù hợp với Nghị định 70/CP.

Bởi lẽ trên, căn cứ điều 275 – 276 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Sửa toàn bộ bản án sơ thẩm:

Chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty UCI và các yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của UCI và kháng cáo của ông Nguyễn Văn Hảo.

Xử: 1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi hủy bỏ, hoặc không công nhận giá trị pháp lý của các nghị quyết về việc đăng ký lại để hoạt động theo luật doanh nghiệp mới, chỉ định Chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc mới của Công ty khách sạn Grand Imperial Sàigòn TNHH (GISH) và văn thư thông báo của đại diện Công ty Radiant Investments Limited (RIL) ký ngày 04/10/2006 liên quan đến các nghị quyết này.

2/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không công nhận giá trị pháp lý của ba nghị quyết mà các thành viên hội đồng quản trị đại diện của RIL và Công ty xây dựng Sài Gòn đã ký vào các ngày 10, 20 và 22 tháng 8 năm 2006 như là các nghị quyết hợp pháp của Hội đồng quản trị GISH (bao gồm: Nghị quyết về việc đăng ký lại; Nghị quyết về Chủ tịch Hội đồng quản trị và nghị quyết về tổng giám đốc). Ông Nguyễn Văn Hảo là chủ tịch Hội đồng quản trị và là Tổng giám đốc của Công ty Grand Imperial Saigon TNHH. Ông Nguyễn Văn Hảo không phải bàn giao công việc có liên quan cho ông Jaya J.B Tan và cho ông Paul Wong.

3/ An phí:

a) Công ty UCI không phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và không phải nộp án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả lại toàn bộ dự phí án phí sơ thẩm và dự phí kháng cáo của Công ty UCI và cho ông Nguyễn Văn Hảo (theo biên lai 003353 ngày06/11/2006- và biên lai số 004749 ngày 7/4/2007, và biên lai số 004689 ngày 10/4/2007 quyển số 0094-0095 của Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh ).

b) Công ty RIL (Radiant Investments Limited) phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 500.000 đồng (Được khấu trừ tạm ứng án phí 250.000 đồng) còn phải nộp 250.000đ (hai trăm năm chục ngàn đồng).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

1/5 - (1 bình chọn)