Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Điều khoản loại trừ trách nhiệm là một yếu tố không thể thiếu, cần được quy định rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm. Điều này sẽ đảm bảo quy tắc công bằng cho đôi bên, ngăn chặn các hành vi trục lợi từ bảo hiểm. Để hiểu rõ hơn về các điều khoản này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Văn bản hợp nhất 06/2019/VBHN-VPQH

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm là gì?

Điều khoản loại trừ trách nhiệm là một trong các nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm, quy định các trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm (bên nhận bảo hiểm) không phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Tức là trong trường hợp có xảy ra sự kiện bảo hiểm thì không phải lúc nào bên nhận bảo hiểm cũng thực hiện trách nhiệm thanh toán bảo hiểm cho bên được bảo hiểm, do quy định của pháp luật hoặc do các yếu tố bất thường dẫn đến sự kiện bảo hiểm.

Điều khoản này phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời khi giao kết hợp đồng, phía doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo bên mua bảo hiểm hiểu rõ về điều khoản này, tức là phải giải thích kỹ càng về điều khoản loại trừ trách nhiệm, tránh các tranh chấp không đáng có trong trường hợp xảy ra các trường hợp thuộc điều khoản loại trừ trách nhiệm. Việc giảm bớt trách nhiệm bồi thường này của các công ty bảo hiểm khiến điều khoản loại trừ được coi là điều khoản thu hẹp phạm vi bảo hiểm.

2. Đặc điểm của các điều khoản loại trừ trách nhiệm 

  • Điều khoản loại trừ trách nhiệm là một trong những điều khoản bắt buộc phải có của hợp đồng bảo hiểm.
  • Loại trừ bảo hiểm bao gồm điều khoản loại trừ chung và điều khoản loại trừ riêng. Điều khoản loại trừ chung áp dụng chung cho tất cả các quyền lợi bảo hiểm, ví dụ chiến tranh, bạo loạn hay các hoạt động leo núi, đua xe…. Điều khoản loại trừ riêng được áp dụng riêng cho từng quyền lợi được bảo hiểm ví dụ loại trừ quyền lợi bệnh hiểm nghèo trong trường hợp hiến tặng gan hay hiến tặng thận… hoặc áp dụng riêng với từng cá nhân ví dụ khách hàng đã bị u tuyến giáp trước khi tham gia sẽ bị loại trừ.
  • Việc quy định các điểm khoản loại trừ để bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm trước việc mất khả năng thanh toán do những rủi ro gây thiệt hại lớn, rủi ro xảy ra trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng. Đó cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
  • Việc quy định các điều khoản loại trừ là điều cần thiết để đảm bảo sự công bằng giữa mức phí bảo hiểm mà khách hàng bỏ ra với quyền lợi bảo hiểm mà khách hàng nhận được. Từ đó đảm bảo chi phí tham gia hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người.

Các điều khoản loại trừ được quy định trong điều khoản sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người lại thường chỉ quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm mà bỏ qua thông tin quan trọng này dẫn đến trường hợp tranh chấp khi rủi ro xảy ra. Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn nên đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, có thắc mắc nào cần hỏi lại tư vấn viên để được giải đáp

3. Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm

Căn cứ theo Điều 16 Văn bản hợp nhất 06/2019/VBHN-VPQH, điều khoản loại trừ trách nhiệm được quy định như sau:

– Điều khoản loại trừ trách nhiệm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

– Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

– Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

+ Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;

+ Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ cho bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm. Nếu bên mua thực hiện đúng những gì quy định trong hợp đồng bảo hiểm thì sẽ luôn được thụ hưởng lợi ích từ các dịch vụ bảo hiểm.

4. Các trường hợp không được hưởng miễn trừ trách nhiệm 

Theo quy định tại Khoản 3 điều 16 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật kinh doanh bảo hiểm do Văn phòng Quốc hội ban hành . Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

– Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý: Vô ý ở đây là trường hợp bên mua bảo hiểm không thấy trước được vi phạm (vì một lý do khách quan) dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc vi phạm pháp luật không phải do lỗi của bên mua bảo hiểm.

– Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm: Các lý do chính đáng như sự kiện bất khả kháng (thiên tai, địch họa, dịch bệnh) và các lý do không xuất phát từ lỗi của bên được bảo hiểm (như do bên thứ ba gây ra ảnh hưởng đến quá trình thông báo của bên được bảo hiểm,…)

Bên mua bảo hiểm cần đọc và nghiên cứu kỹ các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mỗi khi giao kết.  Hợp đồng bảo hiểm và yêu cầu doanh nghiệp giải thích để đảm bảo không rơi vào các trường hợp này.

5. Thực tế áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm

Những quy định loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm hiện vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế. Chẳng hạn như, đối với việc xác định giới hạn loại trừ trách nhiệm. Trong quy định pháp luật hiện nay, việc đề cập quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm chỉ mới dừng lại ở quy định về khái niệm, những nguyên tắc và trường hợp ngoại lệ. Việc này dẫn đến khó khăn trong xác định giới hạn loại trừ trách nhiệm. Hệ quả là các doanh nghiệp có thể dùng quy định này như là một công cụ “giải thoát” khỏi nghĩa vụ chi trả khoản tiền bảo hiểm khi có trường hợp bảo hiểm xảy ra.

Mà hầu hết hiện nay, các hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trên thực tế là hợp đồng gia nhập (hợp đồng thể hiện ý chí một bên, mà bên còn lại thể hiện ý chí bằng cách tham gia hoặc không, không có cơ hội thỏa thuận), thì việc kiểm soát được những trường hợp về giới hạn loại trừ trách nhiệm của bên mua bảo hiểm là bất khả thi. Từ đó dẫn đến tình trạng quyền lợi và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm không được đảm bảo trên thực tế.

Do đó, để giải quyết một cách toàn diện và thấu đáo những hạn chế, tồn tại đã đề cập trên đây, Phamlaw có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm cần bổ sung quy định về giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm mà nhà bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng. Quy định này một mặt giúp cho bên mua bảo hiểm có thể kiểm soát được tính hợp pháp của các trường hợp loại trừ trách nhiệm do doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng. Mặt khác quy định này cũng giúp cho bên bán bảo hiểm tránh được tình trạng lạm dụng các quy định “lỏng lẻo” của pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm để giải thoát cho mình khỏi nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm với bên mua bảo hiểm.

Thứ hai, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm cần phải bổ sung hậu quả pháp lý cụ thể đối với trường hợp thoả thuận của bên mua và bên bán bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm theo một trong hai hướng sau:

Một là quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hậu quả pháp lý cho trường hợp này là hợp đồng sẽ vô hiệu (giống như các trường hợp vô hiệu có tính chất ngoại lệ khác mặc dù vẫn đảm bảo điều kiện có hiệu lực của hợp đồng).

Hai là, quy định nếu không có điều khoản này, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm được xem như chưa hình thành và do đó không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Ngoài ra, hệ quả tiếp theo của cả hai trường hợp trên là các bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm phải khôi phục lại tình trạng tài sản ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Như vậy, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đã được chúng tôi trình bày chi tiết trong bài viết phía trên. Nếu bạn còn thắc mắc, cần tư vấn các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)