Điều kiện, thủ tục hành nghề thừa phát lại

Điều kiện, thủ tục hành nghề thừa phát lại

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Mainguyen….@gmail.com với nội dung như sau:

Thưa Luật sư!

Vào đầu tháng 11/2022, tôi có nhu cầu thành lập văn phòng thừa phát lại. Tuy nhiên tôi vẫn chưa biết rõ về điều kiện để hành nghề thừa phát lại và việc thành lập văn phòng cần chuẩn bị những giấy tờ gì, trình tự thủ tục ra sao? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP

Thông tư 05/2020/TT-BTP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thừa phát lại là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về khái niệm Thừa phát lại như sau: “Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”

Ngoài ra, căn cứ tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định “Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”

Như vậy, có thể hiểu thừa phát lại là chức danh do nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định.

2. Các công việc của thừa phát lại

Dieu Kien Thu Tuc Hanh Nghe Thua Phat Lai
Điều kiện, thủ tục hành nghề thừa phát lại

Căn cứ tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Công việc Thừa phát lại được làm bao gồm:

Thứ nhất, Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Thứ hai, Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Thứ ba, Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Thứ tư, Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, căn cứ tại Điều 4 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, những việc Thừa phát lại không được làm bao gồm:

Thứ nhất, Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

Thứ ba, Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

Thứ tư, Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

3. Điều kiện hành nghề thừa phát lại

Việc bổ nhiệm Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP gồm:

Thứ nhất, Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có độ tuổi không quá 65, chấp hành Hiến pháp, pháp luật và có đạo đức tốt.

Thứ hai, Có bằng tốt nghiệp đại học/sau đại học chuyên ngành Luật.

Thứ ba, Công tác pháp luật từ 03 năm trở lên sau khi có bằng chuyên ngành Luật nêu trên.

Thứ tư, Tốt nghiệp khóa đào tạo bồi dưỡng nghề Thừa phát tại Học viện Tư pháp hoặc công nhận tương đương với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.

Thứ năm, Đạt yêu cầu trong kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Trong đó, có một số trường hợp sau đây sẽ được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại nêu tại Điều 5 Thông tư 05/2020/TT-BTP nếu có các giấy tờ gồm:

Thứ nhất, Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên, Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Thẻ chấp hành viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

Thứ hai, Chứng chỉ hành nghề luật sư, Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, Thẻ luật sư, Thẻ công chứng viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian hành nghề luật sư, công chứng từ 05 năm trở lên;

Thứ ba, Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; Bằng tiến sĩ luật, trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Thứ tư, Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự; thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

Thứ năm, Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên và nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự thì sẽ được Sở Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại. Nếu bị từ chối sẽ được thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.

4. Thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.Văn phòng Thừa phát lại do Ủy ban nhân dân thành phố thành lập, Sở tư pháp cấp giấy phép đăng ký hoạt động và quản lý chuyên môn chung.

Trình tự, thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thành lập bao gồm:

– Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Đề án thành lập văn phòng thừa phát lại, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi,; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của họ; địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện.

Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập văn phòng thừa phát lại.

– Bản sao quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại

Bước 2: Nộp hồ sơ

Thừa phát lại thành lập văn phòng thừa phát lại phải nộp hồ sơ thành lập văn phòng thừa phát lại gửi Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thì điểm chế định thừa phát lại để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Bước 3: Xử lý hồ sơ thành lập

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp phải thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)