Xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh

Xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, Covid 19 là bệnh truyền nhiễm từ người qua người, thông qua việc tiếp xúc qua không khí. Do sô lượng thiệt hại về người lớn nên đây được gọi là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid 19. Bệnh này có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc với người bị nhiễm thông qua các giọt bắn tạo ra khi người nhiễm bệnh ho, sổ mũi. Vậy nên để phòng chống dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi đông người. Nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp không tuân thủ theo những gì Bộ Y tế khuyến cáo. Đó là một ví dụ cho hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh. Để làm rõ vấn đề xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh, Luật Phamlaw xin giới thiệu tới quý khách hàng bài viết sau đây:

Xu Phat Vi Pham Trong Phong Chong Dich Benh
Xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh

Hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh, tùy thuộc vào đối tượng và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà sẽ bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Cụ thể:

1. Xử phạt vi phạm hành chính

Người dân cần nghiêm túc áp dụng các biện pháp an toàn để phòng hống dịch bệnh, ví dụ đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng trong dịch Covid 19, nếu cố tình không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007).

Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch tại Điều 11. Cụ thể mức xử phạt ứng với các hành vi vi phạm pháp luật được quy định như sau:

  • Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi:

Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi:

Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch, không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi:

Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch, thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:

Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:

Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A, đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch, không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi:

Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch, không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Ngoài ra người có hành vi vi phạm pháp luật còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật; buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác.

2. Xử lý hình sự

Hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh nếu làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị truy cứu chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khi họ nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện khi cho rằng hậu quả làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người không xảy ra. Và kết quả là đã làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên có thể phải chịu một trong ba mức hình phạt sau đây tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội:

Thứ nhất. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với trường hợp:

  • Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
  • Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Thứ hai. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với trường hợp:

  • Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.
  • Làm chết người.

Thứ ba. phạt tù từ 10 năm đến 12 năm đối với trường hợp:

  • Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
  • Làm chết 02 người trở lên.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: >>> Tên, biển hiệu doanh nghiệp và xử phạt hành chính khi vi phạm

5/5 - (1 bình chọn)