Rửa tiền và các quy định pháp luật liên quan đến rửa tiền
Rửa tiền là gì?
Rửa tiền theo pháp luật Việt Nam là một hành vi phạm tội được quy định tại Điều 324, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, là hành vi của các tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đổi, hợp pháp hóa các khoản lợi hoặc tài sản bất chính không rõ nguồn gốc, hoặc do hành vi phạm tội hoặc tham nhũng có được để nó trở thành tài sản hợp pháp.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền 2022, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Biểu hiện của rửa tiền
Căn cứ quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2022 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm:
– Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
– Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
– Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
– Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
– Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
– Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Trong đó:
– Tiền sử dụng trong hoạt động rửa tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.
– Tài sản trong hoạt động rửa tiền bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
Căn cứ cấu thành tội rửa tiền được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 324, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, để khởi tố vụ án hình sự nói chung, vụ án rửa tiền nói riêng cần xem xét 04 yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: Khách thể, khách quan, chủ thể, chủ quan:
Về khách thể: người thực hiện hành vi rửa tiền che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình hoặc người khác phạm tội mà có. Hành vi này gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, cản trở cơ quan điều tra phát hiện tội phạm.
Về mặt khách quan: Người thực hiện hành vi phạm tội thực hiện một trong các hành vi quy định tài Khoản 1, Điều 324, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Về chủ thể: Bất kỳ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Về mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi phạm tội biết và buộc phải biết hành vi của mình của mình là nguy hiểm, xâm hại trật tự, an ninh xã hội nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích của hành vi là chuyển đổi, hợp pháp hóa nguồn gốc các khoản lợi hoặc tài sản bất chính có được
Thực tế về tội phạm rửa tiền tại Việt Nam
Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, bao gồm các bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện, giữ 49,5% cổ phần Công ty Alibaba), bị can Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện) và bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba).
Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM xác định: Nguyễn Thái Lực có 4 tài khoản cá nhân tại 4 ngân hàng. Trong đó có 2 tài khoản không sử dụng, 2 tài khoản còn lại thì một để nhận lương hàng tháng, một để nhận tiền từ Võ Thị Thanh Mai chuyển và đi rút tiền mặt giao lại cho Mai.
Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản số 179797988 của Lực, sau đó chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm số tiền 50 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng ACB. Nguồn gốc 50 tỷ đồng đều là tiền khách hàng thanh toán tiền mua nền đất tại Công ty Alibaba.
Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên tại Ngân hàng ACB. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút số tiền 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua hai căn nhà tại địa chỉ 96A, 96B, Khu phố 6, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Còn lại 13 tỷ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.
Sau khi Cơ quan Công an khởi tố vụ án, thi hành lệnh bắt một số cá nhân và khám xét tại trụ sở Công ty Alibaba vào ngày 18/9/2019, ngày 19/9/2019, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi là hơn 13,9 tỷ đồng vào tài khoản số 90606168 do Mai đứng tên Ngân hàng ACB. Cùng ngày 19/9/2019, Mai chuyển 13 tỷ đồng vào tài khoản số 179797988 của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra và giao lại cho Mai.
Theo cáo trạng, các bị can Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng đều thừa nhận: biết rõ số tiền 13,9 tỷ đồng nêu trên là tiền thu của khách hàng, do Luyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Mai nhằm che giấu nguồn gốc số tiền. Số tiền 13 tỷ đồng nêu trên, Mai khai đã sử dụng hết vào việc cá nhân và trả tiền vay bên ngoài, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa thu hồi được.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 thì các đối tượng trên sẽ bị truy tố với tội rửa tiền.
Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc ở bất kỳ chỗ nào vui lòng kết nối đến số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được tư vấn luật nhanh chóng nhất!
Xem thêm: