Chế độ tử tuất

Email: Tuannguyen.duong@…

Ông nội tôi là công an đã nghỉ hưu được 8 năm. Đầu năm nay do tuổi cao sức yếu ông ra đi đột ngột ở tuổi 72. Các luật sư cho tôi hỏi các chế độ mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng được không ạ? Bà nội tôi hiện nay cũng 70 tuổi và không có lương hưu hay nguồn trợ cấp ổn định nào khác.

Tôi xin được chân thành cám ơn các luật sư

Trả lời: (câu trả lời mang tính tham khảo)

Với câu hỏi của bạn Phạm Law xin được trả lời như sau:

Ông nội bạn sẽ được hưởng chế độ tử tuất như sau:

* Trợ cấp mai táng:

Điều kiện hưởng: Người lao động đang tham gia BHXH; người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH; người đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng đã nghỉ việc nếu bị chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì người lo mai táng hoặc thân nhân được nhận trợ cấp mai táng.

Mức trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.

* Trợ cấp tuất hàng tháng:

– Điều kiện hưởng:

Chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật
Chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật

Người lao động đã đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần; người đang hưởng lương hưu; người lao động chết do TNLĐ-BNN; người đang hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Thân nhân của các đối tượng kể trên được quy định như sau:

+ Con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Các thân nhân kể trên phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

– Mức trợ cấp tuất hàng tháng: đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.

– Trường hợp có 1 người chết thuộc đối tượng quy định kể trên thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng tối đa không quá 4 người; trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp quy định kể trên.

– Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà người lao động, người hưởng lương hưu, trợ cấp TNLĐ-BNN chết.

* Trợ cấp tuất một lần:

– Điều kiện hưởng: Người lao động đang tham gia BHXH; người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH; người đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng đã nghỉ việc chết mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì thân nhân của đối tượng đó được hưởng trợ cấp tuất một lần.

– Mức trợ cấp tuất một lần:

+ Đối với thân nhân của người lao động đang làm việc hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH; mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng.

+ Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Bạn lưu ý, trường hợp được hưởng trợ cấp tuất một lần chỉ áp dụng khi không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc không có thân nhân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

* Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất:

1. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tử tuất hàng tháng, gồm:

– Sổ BHXH của người đang đóng BHXH, người bảo lưu thời gian đóng BHXH và người chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hoặc hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do cơ quan BHXH quản lý đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng;

– Giấy chứng tử (bản sao) hoặc Giấy báo tử (bản sao) hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết (bản sao);

– Tờ khai của thân nhân người chết (mẫu số 09A-HSB) .

– Đối với trường hợp chết do TNLĐ thì có thêm Biên bản điều tra TNLĐ (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì kèm theo bản sao Biên bản tai nạn giao thông); đối với trường hợp chết do BNN thì có thêm bản sao Bệnh án điều trị BNN; đối với trường hợp con từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi còn đi học thì có thêm Giấy chứng nhận của nhà trường nơi đang học; đối với trường hợp thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì có thêm Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

2. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tuất một lần, gồm:

– Sổ BHXH của người đang đóng BHXH, người bảo lưu thời gian đóng BHXH và người chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hoặc hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do cơ quan BHXH quản lý đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng;

– Giấy chứng tử (bản sao) hoặc Giấy báo tử (bản sao) hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết (bản sao);

– Tờ khai của thân nhân người chết (mẫu số 9A-HSB);

– Đối với trường hợp chết do TNLĐ thì có thêm Biên bản điều tra TNLĐ (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì kèm theo bản sao Biên bản tai nạn giao thông); đối với trường hợp chết do BNN thì có thêm bản sao Bệnh án điều trị BNN./.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối đến Phạm Law để được tư vấn hỗ trợ.

Trân trọng./.

Rate this post