Tư vấn xây dựng nội quy lao động

Nội quy lao động có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động quản lý, sử dụng lao động trong doanh nghiệp. Nội quy lao động là cơ sở để người sử dụng lao động hiện thực hóa quyền quản lý của mình nói chung và đảm bảo kỷ luật lao động nói riêng. Để nội quy lao động mang tính ứng dụng và khả thi cao, khi tư vấn xây dựng nội quy lao động cho các doanh nghiệp, luật sư cần hiểu rõ khách hàng của mình (lĩnh vực hoạt động; Đặc thù trong sản xuất, kinh doanh cũng như cách thức quản lý)

Khi tư vấn xây dựng nội quy lao động, luật sư cần thể hiện được những nội dung chủ yếu sau:

– Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi: Khi thể hiện nội dung này trong bản nội quy lao động, luật sư cần tư vấn để người sử dụng lao động quy định cụ thể về biểu thời gian làm việc trong ngày (thời gian làm việc trong giờ hành chính, thời gian làm việc theo ca), trong tuần (một tuần phải làm việc bao nhiêu tiếng), thời giờ nghỉ giải lao trong ca làm việc, số ca làm việc, ngày nghỉ trong tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, số giờ làm thêm trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm.

– Trật tự trong doanh nghiệp: Trong nội dung này cần quy định cụ thể về phạm vi làm việc, đi lại, giao tiếp và những yêu cầu khác giữ gìn trật tự chung

– An toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc: Nội quy lao động phải thể hiện rõ việc chấp hành những biện pháp đảm bảo an toàn lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của người lao động, tuân thủ các quy phạm, các tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động, việc sử dụng và bảo quản trang bị phòng hộ cá nhân, vệ sinh công nghiệp tại nơi làm việc.

– Việc bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp: Bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp là một trách nhiệm quan trọng mà người lao động phải thực hiện. Trong phạm vi này cần quy định rõ trách nhiệm của người lao động trong việc bảo vệ tài sản, tài liệu, tư liệu, số liệu của đơn vị thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

– Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, các hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất. Có thể nhận thấy rằng đây là nội dung quan trọng nhất của bản nội quy lao động ,à luật sư cần tập chung khi tư vấn. Trong nội dung này, doanh nghiệp cần thể hiện những vấn đề sau: Những hành vi bị coi là hành vi vi phạm kỷ luật lao động; Những hình thức xử lý kỷ luật lao động; các loại trách nhiệm vật chất, mức độ thiệt hại và phương thức bồi thường.

Để nội quy có hiệu lực pháp luật, luật sư cũng cần lưu ý doanh nghiệp về thủ tục ban hành và đăng ký nội quy lao động. Theo quy định của pháp luật, trước khi ban hành nội quy, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người có thẩm quyền ký quyết định ban hành nội quy lao động.

Việc đăng ký bản nội quy lao động được thực hiện tại sở lao động và thương binh xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tại ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) đối với các đơn vị thuộc khu công nghiệp theo ủy quyền của sở lao động thương binh và xã hội. Khi đăng ký nội quy lao động, doanh nghiệp có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi bưu điện theo hình thức thư bảo đảm.

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ký quyết định ban hành nội quy lao động, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định, trong thời hạn 10 ngày (làm việc),  kể từ ngày nhận được nội quy lao động của doanh nghiệp, sở lao động – Thương binh và xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp phải thông báo bằng văn bản về việc đăng ký nội quy lao động. Nếu hết thời hạn 10 ngày làm việc mà không có thông báo từ phía cơ quan có thẩm quyền đăng ký nội quy lao động thì nội quy lao động đương nhiên có hiệu lực.

> xem thêm:

Rate this post