Hỏi về chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, chứng chỉ đào tạo về đấu thầu

Kính gửi tư vấn pháp luật Phamlaw. Các luật sư cho tôi hỏi. Nguyên tôi là cán bộ của Ban Quản lý dự án  (là Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp); có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng điều kiện tham gia tổ chuyên gia theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và trên thực tế đã từng tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu nhiều gói thầu của Ban.

Nhưng kể từ ngày 01/7/2014 (ngày Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành), tôi có đủ điều kiện để tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu của Ban hay không? Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 mà tôi đã được cấp có còn giá trị hay không?

Trả lời: (câu trả lời mang tính tham khảo)

Căn cứ Điều 16 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì các cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Như vậy, việc quy định các cá nhân tham gia trực tiếp vào các công việc như nêu trên phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu đã khẳng định “đấu thầu” là một nghề và người hành nghề hoạt động đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện về năng lực và kinh nghiệm thể hiện thông qua việc được cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Kết quả của việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu quyết định rất nhiều đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước. Nếu các cá nhân trực tiếp tham gia lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm cũng như không có đạo đức nghề nghiệp thì dễ dẫn đến việc nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu; dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Do đó, việc quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 là phù hợp và cần thiết.

Trở lại với câu hỏi trên, việc cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, điều kiện đối với tổ chuyên gia đã được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các Điều 111, 116 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, để thực hiện được việc cấp chứng chỉ hoạt động nghề cần phải có thời gian chuẩn bị chương trình, giáo trình, giáo viên và tổ chức đào tạo… vì vậy, theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 129 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định lộ trình áp dụng và hướng dẫn thực hiện chi tiết việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu cho các cá nhân thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Do đó, trong thời gian từ ngày 01/7/2014 cho đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định chi tiết về việc cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu thì các cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 (tức là những cá nhân đã có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu thầu) vẫn được phép tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu mà các cá nhân đã được cấp theo quy định Luật đấu thầu số 61/2005/QH11 vẫn còn giá trị.

Trong thời gian chờ triển khai việc đào tạo và cấp chứng chỉ hoạt động nghề đấu thầu thì các cá nhân tham gia vào hoạt động đấu thầu nói chung và các cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cần thường xuyên cập nhật các quy định mới của pháp luật về đấu thầu để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ công tác được giao.

Trên đây là quan điểm của Phạm law đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối đến Phạm law, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.

Trân trọng./.

3/5 - (2 bình chọn)