Thể chế chính trị là gì? Các loại hình thể chế chính trị hiện nay
Thể chế chính trị là gì?
Thể chế chính trị được hiểu chính là bộ máy tổ chức của nhà nước, là hình thức chế độ mà nhà nước lựa chọn để xây dựng thông qua những quy định, điều luật và thông qua nó để điều chỉnh, quản lý xã hội. Mỗi quốc gia sẽ có một thể chế riêng và được quy định trong văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất ở quốc gia đó.
Các loại thể chế chính trị trên hiện nay
Trên thế giới
Thể chế quân chủ
Thể chế quân chủ được chia thành các loại: Quân chủ tuyệt đối và Quân chủ lập hiến.
Thể chế Quân chủ tuyệt đối: là thể chế chính trị mà ở đó toàn bộ quyền lực thuộc về nhà Vua và quyền lực này được chuyển giao theo nguyên tắc “cha truyền – con nối”.
Thể chế Quân chủ lập hiến : là loại hình thể chế mà trong nhà nước vẫn tồn tại ngôi Vua, nhưng có Hiến pháp do Nghị viện ban hành. Hình thức chính thể này thường tồn tại ở những nước, nơi mà cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến kết thúc bằng sự thỏa hiệp; hiện nay hình thức chính thể quân chủ vẫn tồn tại, song dần dần thích ứng với lợi ích của giai cấp tư sản đang nắm chính quyền.
Thể chế Quân chủ lập hiến được chia thành 2 loại hình Quân chủ nhị nguyên và Quân chủ đại nghị.
+ Thể chế quân chủ nhị nguyên: Là thể chế chính trị mà quyền lực được chia đều cho Vua và Nghị viện – tuy nhiên có khi quyền lực nhà Vua thường lấn át Nghị viện và trong nhiều trường hợp nhà Vua có thể giải tán Nghị viện vô thời hạn. Hình thức thể chế này hiện nay chỉ còn tồn tại ở một số ít nước như Brunây, Tiểu Vương quốc Arập,…
+ Thể chế quân chủ đại nghị: Với các đặc trưng:
Vua đứng đầu nhà nước, nhưng quyền lực tập trung trong tay Nghị viện (cơ quan quyền lực do nhân dân bầu). Quyền lực nhà Vua chủ yếu mang tính hình thức “Vua trị vì, nhưng không cai trị”. Vua là người đứng đầu nhà nước nhưng trên thực tế thì Vua vẫn chịu ảnh hưởng của Đảng cầm quyền.
Nghị viện là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền thành lập và giải tán chính phủ; chính phủ chịu trách nhiệm trước nghị viện. Song trên thực tế, quyền lực chủ yếu tập trung vào người đứng đầu cơ quan Hành pháp (Thủ tướng).
Tiêu biểu cho hình thức thể chế này là Vương quốc Anh, Nhật Bản,…
Thể chế Cộng hòa
– Ở các nước tư bản chủ nghĩa và một số nước đang phát triển, hình thức thể chế này có 3 loại: Cộng hòa Tổng thống, Cộng hòa Đại nghị, Cộng hòa hỗn hợp.
– Ở các nước xã hội chủ nghĩa phổ biến là mô hình Cộng hòa Xôviết; Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa.
Thể chế Cộng hòa Tổng thống : Điển hình là Mỹ, các nước Châu Mỹ La tinh…
Đặc trưng tiêu biểu của thể chế này là: Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu cơ quan Hành pháp với quyền hạn vô cùng lớn. Tổng thống lập ra Chính phủ, các thành viên Chính phủ do Tổng thống cử ra và chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Tổng thống, Chính phủ không chịu trách nhiệm trước Quốc hội; tuy nhiên Tổng thống cũng không có quyền giải tán Quốc hội nếu Quốc hội có thực quyền và trở thành đối tượng kiềm chế quyền hạn của Tổng thống (ngoại trừ Liêng bang Nga: Tổng thống có quyền giải tán Đuma, mặc dù Đuma do dân bầu ra). Nhìn chung, trong thể chế này, quyền Hành pháp (đứng đầu là Tổng thống) có phần lấn át quyền Lập pháp và Tư pháp. Để tránh hiện tượng lạm quyền, độc tài; Hiến pháp nhiều nước thường có những điều khoản có tính chất “kiềm chế, đối trọng” hoặc giới hạn nhiệm kỳ của Tổng thống.
Thể chế Cộng hòa đại nghị: Tiêu biểu cho thể chế này là các nước Đức, Áo, Ý…
– Đặc trưng cơ bản của chính thể này là: Quyền lực nhà nước tập trung vào Nghị viện (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra). Nghị viện có quyền lập ra Chính phủ (Chính phủ do nhân dân gián tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm gián tiếp trước nhân dân thông qua Nghị viện), bầu Tổng thống; đồng thời Nghị viện có thể bãi miễn Chính phủ, Tổng thống và cơ quan Tư pháp. Tổng thống, Chính phủ hoạt động và chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
– Mô hình thể chế này được xem là dân chủ nhất trong mô hình chính thể tư sản – ít có khả năng biến thành chế độ độc tài hay nguy cơ bất ổn. Tuy nhiên, nền hành pháp của chính thể này thường không mạnh như nền hành pháp ở mô hình Cộng hòa Tổng thống.
Thể chế Cộng hòa hỗn hợp : Tiêu biểu là Pháp, Hàn Quốc,…
– Đặc điểm của loại hình thể chế này là: Tổng thống và Nghị viện đều do nhân dân bầu ra. Tổng thống toàn quyền Hành pháp, có quyền giải tán Nghị viện. Tuy vậy Nghị viện có quyền can thiệp vào quá trình thành lập Chính phủ, buộc Tổng thống phải bổ nhiệm lãnh tụ của Đảng đa số trong Nghị viện làm Thủ tướng; nghĩa là Tổng thống phải chia sẻ quyền lực với Nghị viện.
– Ưu điểm của thể chế này là hạn chế sự tập trung quyền lực vào tay Tổng thống; tránh hiện tượng độc tài và vẫn đảm bảo một nền Hành pháp mạnh. Nhiều nước ở Liên Xô (cũ), Đông Âu và Châu Phi sau khi cải cách thể chế đã áp dụng mô hình chính thể này.
Thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Ở các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị được tổ chức theo mô hình Cộng hòa Xô viết (trước đây), Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (hiện nay). Mô hình thể chế này, ở các nước khác nhau có tên gọi khác nhau: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (Việt Nam), Cộng hòa dân chủ nhân dân (Lào, Triều Tiên), Cộng hòa nhân dân (Trung Hoa), Cộng hòa (CuBa).
Thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay
Do Việt Nam định hướng theo con đường xã hội chủ nghĩ nên thể chế chính trị của nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa với sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam và liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt nam và các đoàn thể để xây dựng, phát triển đất nước, tiến lên CNXH. Và mối liên hệ ấy hợp thành một hệ thống chính trị thống nhất, vận hành theo quan hệ chức năng có tính nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Điều này cũng được ghi nhận và cụ thể hoá tại Điều 4, Hiến pháp Việt Nam 2013, cụ thể:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Xem thêm: >>> Tìm hiểu về Hiến pháp
Thể chế chính trị của Việt Nam mang các đặc trưng sau:
Quyền lực nhà nước là thống nhất (thuộc về nhân dân); nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội – Quốc hội có quyền thành lập Chính phủ, bầu Chủ tịch nước, cơ quan Tư pháp; có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước như tuyên bố chiến tranh hay hòa bình; có quyền giám sát tối cao việc thi hành pháp luật (đặc điểm này hơi giống Thể chế chính trị Cộng hòa đại nghị). Chính phủ là cơ quan hành chính chịu trách nhiệm trước Quốc hội, thực thi vai trò quản lý hành chính và bảo đảm sự thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên; khác với thể chế cộng hòa khác, trong hệ thống Tư pháp của thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa có hệ thống cơ quan Viện kiểm sát.
Và do trong hệ thống chính chính trị ở Việt Nam chỉ có duy nhất một Đảng Cộng sản lãnh đạo mà không tồn tại các Đảng khác đối lập nên càng khẳng định được vị trí của Đảng đối với nhân dân,vì từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm rất lớn từ phái nhân dân
Có thể thấy, thể chế chính trị của nước ta góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên cả ba lĩnh vực: Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Không những thế, Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cũng đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình để xây dựng quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường một cách hiệu quả, minh bạch, vì một mục tiêu chung, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Phòng biên tập – Luật Phamlaw