Chính sách đất đai là gì?

Chính sách đất đai là gì?

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Để sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, chính sách pháp luật về đất đai cần có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm môi trường ổn định về chính trị – xã hội và điều tiết sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về chính sách đất đai là gì, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Chính sách đất đai là gì?

Chính sách đất đai là hệ thống nguyên tắc pháp luật đất đai mà thông qua đó Chính phủ Việt Nam xác định cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội về quyền của họ đối với đất đai, cụ thể hóa những hoàn cảnh mà trong đó quyền về đất đai có thể được chuyển nhượng, và xây dựng cơ chế để bảo vệ những quyền lợi đó và định hướng xử lý các tranh chấp có liên quan.

2. Thành tựu đạt được trong hệ thống chính sách đất đai

Đến nay, hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý đất đai trong bối cảnh phát triển hiện tại của đất nước.

Thứ nhất, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thứ hai, Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai, đổi mới về giá đất đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, từng bước thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế.

Thứ ba, Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai được quy định cụ thể. Thị trường bất động sản nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng đã từng bước đi vào nề nếp và ổn định, các đơn vị tư vấn định giá đất được hình thành và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Thứ tư, Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo ra nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước; đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới.

3. Thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai

Một là, về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu ở Việt Nam, trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn không ít hạn chế, trong đó có cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện. Về nhận thức, vẫn còn một bộ phận chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Việc thực hiện chức năng của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu, với chức năng quản lý nhà nước về đất đai và trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, với tư cách là một chủ thể sử dụng đất đai còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, còn có một số những bất cập khác trong tổ chức, quản lý và thực hiện cụ thể.

Hai là, vấn đề định giá đất, xử lý, giải quyết hài hòa các loại lợi ích, nhất là lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi luôn là những vướng mắc lớn, thậm chí là “điểm nghẽn” trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Điều này làm ảnh hưởng đến phát huy nguồn lực đất đai, đến sự công bằng, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tình trạng thất thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất còn lớn. Giá đất không hợp lý, tạo ra sự phân biệt đối xử rất lớn giữa các chủ thể sử dụng khác nhau, giữa các địa phương có đất liền kề, giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, gây ra sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch.

Ba là, Vấn đề giao, cho thuê, đấu thầu còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, làm méo mó các giao dịch thị trường, xuất hiện một loạt các hệ lụy khác đối với việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, tạo ra xung đột giữa chính quyền và người sử dụng đất khi bị thu hồi. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng, dẫn tới sự lãng phí đất cơ quan, công sở, doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, đất các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, đất quốc phòng – an ninh, cũng như tình trạng tham nhũng, lãng phí về đất đai,…

Bốn là, Hệ thống pháp luật chủ yếu quy định về quyền của Nhà nước, trong khi đó, chế tài thực thi quyền của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ, tính an toàn pháp lý cho người sử dụng đất cần được hoàn thiện. Mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm nhưng đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất còn gặp nhiều khó khăn; số lượng các văn bản hướng dẫn quá nhiều, nhưng không đủ, vẫn còn nhiều nội dung quy định trong luật nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện; một số quy định hiện hành trong chính sách, pháp luật về đất đai vẫn chưa rõ trách nhiệm trong phân cấp, phân quyền.

Năm là, Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế nhất là trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc tổ chức cơ quan định giá đất, việc giao đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính liên quan về đất đai. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp như: đất đã giao cho các khu kinh tế, khu cộng nghiệp, đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh…; tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách đất đai còn khá lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo về quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền và tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do chính sách đất đai thay đổi quá nhiều qua nhiều thời kỳ; chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa được làm rõ, tính phù hợp, đồng bộ chưa cao; việc thể chế hóa thường rất chậm… Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật khác có liên quan chưa nghiêm. Công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai còn kém hiệu quả; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế; một số bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng.

4. Hoàn thiện các chính sách pháp luật đất đai

Những nội dung cần chú trọng trong quá trình bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai:

Thứ nhất, tập trung sửa đổi, hoàn thiện những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng xây dựng thành một hệ thống chính sách, pháp luật tập trung, thống nhất về đất đai.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai theo hướng quản lý tổng hợp, tập trung, thống nhất trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đất đai.

Thứ ba, về giao đất, cho thuê đất: Thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng thuê đất. Đẩy mạnh và hoàn thiện việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá cạnh tranh quyền sử dụng đất. Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất quốc phòng – an ninh, đất có tính chất tài sản công. Xử lý nghiêm các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng.

Thứ tư, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng. Quy định rõ các trường hợp thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng – an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Kiên quyết thu hồi đối với những diện tích đất của các tổ chức nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo nguyên tắc, lợi ích của người có đất bị thu hồi, tối thiểu bằng lợi ích trước khi bị thu hồi,…

Thứ năm, về chính sách tài chính về đất đai và giá đất: Hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, đổi mới phương pháp xác định giá đất, bảo đảm độc lập, khách quan, cập nhật biến động giá đất trên thị trường, minh bạch. Xây dựng hệ thống cơ quan định giá đất hoàn chỉnh, đủ năng lực, chịu trách nhiệm về định giá đất, tiến tới cơ quan tư vấn giá đất độc lập.

Thứ sáu, đẩy mạnh việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai theo hướng phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, các tranh chấp về đất đai kể cả tồn đọng hiện nay và phát sinh mới cần được giải quyết tại tòa án chuyên ngành. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai. Tập trung giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc khiếu kiện về đất đai, xử lý dứt điểm tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Thực hiện nghiêm biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Trên đây tư vấn của Phamlaw về chính sách đất đai là gì, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)