Thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài
Bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài là chế độ quan trọng mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Để hiểu rõ hơn về Thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Bảo hiểm xã hội là gì?
Bản chất của bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội do nhà nước thực hiện tổ chức.
Bảo hiểm xã hội bao gồm 2 loại là: Bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện
+ Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
+ Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
2. Trường hợp người nước ngoài đóng bảo hiểm xã hội.
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người nước ngoài khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Người sử dụng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người nước ngoài bao gồm cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người nước ngoài đang lao động tại Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc khi đáp ứng cả 4 điều kiện sau:
– Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp;
– Có hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động ở Việt Nam;
– Không phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó 12 tháng;
– Không phải là người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi)
3. Mức đóng và phương thức người nước ngoài đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với người lao động: Từ ngày Nghị định này có hiệu lực (01/12/2018) đến ngày 01/01/2022 thì người lao động không cần trích từ quỹ lương của mình để đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP từ ngày 01/01/2022, NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Đối với người sử dụng lao động: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, Người sử dụng lao động đóng hàng tháng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội với tỷ lệ như sau:
– 3% vào quỹ ốm đau, thai sản;
– 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022.
Người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm đối với hợp đồng giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động đóng theo từng hợp đồng giao kết.
4. Trường hợp người nước ngoài đóng thuế thu nhập cá nhân.
Khi xác định thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài, cần xét người nước ngoài là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú để xác định cách tính thuế khác nhau.
- Theo đó, cá nhân cư trú là cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam sẽ chịu thuế thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
- Cá nhân không cư trú là cá nhân không thuộc trường hợp cá nhân cư trú, chỉ chịu thuế với thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú được tính theo biểu thuế lũy tiến quy định tại Phụ lục 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Trường hợp Chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có thể được miễn thuế. Thủ tục miễn thuế bao gồm: Xác nhận chuyên gia nước ngoài và đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân của cơ quan chủ quản (đối với trường hợp chuyên gia nước ngoài ký hợp đồng với cơ quan chủ quản) hoặc của chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (đối với trường hợp chuyên gia nước ngoài ký hợp đồng với Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoặc ký hợp đồng với Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài) đối với thu nhập từ việc trực tiếp thực hiện chương trình, dự án phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam của chuyên gia nước ngoài.
5. Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài
Sau khi xác định được đối tượng người nước ngoài phải đóng thuế TNCN 2022, việc tiếp theo cần tìm hiểu đó là cách tính thuế với từng loại đối tượng cũng như các bậc tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất 2022. Thông qua đó, nắm được thông tin để thực hiện quyết toán thuế TNCN theo đúng thủ tục, quy trình.
Căn cứ theo từng loại đối tượng phải nộp thuế TNCN sẽ có cách tính thuế TNCN tương ứng. Theo quy định, 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú.
5.1 Người nước ngoài là cá nhân cư trú, sẽ có 2 trường hợp:
- Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
- Cá nhân không ký hợp đồng lao động/ ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân với từng trường hợp cụ thể như sau:
a. Với cá nhân cư trú có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:
Thuế thu nhập cá nhân | = | Thu nhập tính thuế | x | Thuế suất.
|
Lưu ý: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ.
b. Đối với trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng
Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC, NLĐ sẽ bị khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập.
Thuế thu nhập cá nhân | = | 10% | x | Tổng thu nhập trước khi trả |
5.2 Đối với cá nhân không cư trú
Đối với cá nhân không cư trú, công thức tính thuế thu nhập cá nhân theo Khoản 1, Điều 18, Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Thuế thu nhập cá nhân | = | 20% | x | Thu nhập chịu thuế |
Thu nhập chịu thuế bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương NLĐ nhận được trong kỳ tính thuế.
Cùng với đó, nếu lao động ký hợp đồng thử việc và có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì sẽ phải khấu trừ thuế 10%.
Trên đây là thông tin về thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài năm 2022, nếu doanh nghiệp, đơn vị hoặc người sử dụng lao động chưa rõ hoặc có thắc mắc, muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.
Xem thêm:
- Cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài được miễn giấy phép lao động
- Người nước ngoài có được thành lập bệnh viện tại Việt Nam ?
- Thủ tục để người nước ngoài sở hữu nhà chung cư tại Việt Nam