Thẩm quyền quản lý Nhà nước về lao động
Quản lý nhà nước về lao động là một trong những lĩnh vực quản lý của Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm các nội dung quản lý nhất định. Việc quản lý lao động của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường lao động, đảm bảo cân bằng quyền và lợi ích giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động. Để hiểu rõ hơn về thẩm quyền quản lý Nhà nước về lao động, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật lao động 2019
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Quản lý nhà nước về lao động là gì?
Quản lý nhà nước về lao động là một trong những lĩnh vực quản lý của Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào nội dung quản lý, sử dụng các biện pháp quản lý nhằm tác động vào đối tượng quản lý, bảo đảm và thúc đẩy quan hệ lao động, thị trường lao động phát triển theo những định hướng mà Nhà nước đã đặt ra.
Quản lý nhà nước về lao động bao gồm quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng lao động và quan hệ giữa Nhà nước với người lao động.
2. Nội dung quản lý nhà nước về lao động
Căn cứ Điều 212 Bộ luật Lao động 2019 quy định các nội dung quản lý nhà nước về lao động như sau:
Thứ nhất, Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lao động. Nội dung quản lý này nhằm bảo đảm về xây dựng thế chế phục vụ quản lý, tạo công cụ quản lý, công cụ pháp luật là quan trọng nhất của quản lý nhà nước về lao động.
Thứ hai, Theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về cung cầu và biến động cung, cầu lao động; quyết định chính sách tiền lương đối với người lao động; quyết định chính sách, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội, giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề; xây dựng khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp. Quy định danh mục nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ ba, Tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học về lao động; thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, tiền lương và thu nhập của người lao động; quản lý lao động về số lượng, chất lượng và biến động lao động.
Thứ tư, Xây dựng các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; thúc đẩy việc áp dụng quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động; thực hiện việc đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Thứ năm, Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động; giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, Hợp tác quốc tế về lao động. Quan hệ lao động hiện nay đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác về lao động là lĩnh vực quan trọng hiện nay nhiều quốc gia phải quan tâm. Do đó, Nhà nước phải thực hiện chính sách hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng thị trường lao động để bảo đảm công ăn, việc làm, nâng cao kỹ năng, tay nghề, cung cách làm ăn để người lao động có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trên đây là hệ thống công cụ đặc biệt quan trọng mà Nhà nước sử dụng để quản lý lao động, điều tiết hoạt động của thị trường lao động, điều chỉnh việc thiết lập, duy trì và chấm dứt quan hệ lao động. Các hoạt động duy trì, phát triển nguồn nhân lực cũng được quan tâm và được thực hiện bằng nhiều chương trình, biện pháp và nguồn lực khác nhau. Các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động, làm lành mạnh môi trường lao động, quan hệ lao động cũng được xúc tiến một cách hiệu quả hơn.
3. Thẩm quyền quản lý Nhà nước về lao động
Căn cứ tại Điều 213 Bộ luật lao động 2019 quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động như sau:
Thứ nhất, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước.
Thứ hai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động.
Thứ ba, Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình.
Như vậy, để triển khai các nội dung quản lý quy định tại Điều 213 Bộ luật Lao động năm 2019, Nhà nước đã thiết lập hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lao động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Với chức năng được Hiến pháp năm 2013 và pháp luật quy định, Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước, ở Trung ương, giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động là các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giữ vai trò chủ trì, các bộ, cơ quan ngang bộ khác giữ vai trò phối hợp.
3.1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước
Theo quy định tại Điều 94 Hiến pháp 2013, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo chiều dọc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân cấp huyện đều là các cấp dưới của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý về lao động. Do đó, Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý về lao động trên phạm vi cả nước.
3.2 Bộ lao động – thương binh và xã hội chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực cơ bản như: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước.
Bộ Lao động- Thương binh và xã hội là cơ quan chủ đạo của Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội có trách nhiệm trước Chính phủ về:
Thứ nhất, Xây dựng, soạn thảo các văn bản pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn
Thứ hai, Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Thứ ba, Giám sát, quản lý các cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đối tượng mà các cơ quan này quản lý.
3.3. Bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với bộ lao động – thương binh và xã hội trong quản lý nhà nước về lao động
Ở cấp trung ương, bên cạnh Bộ Lao động- Thương binh và Xã hộị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng có thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nghĩa vụ phải thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để thực hiện quản lý nhà nước về lao động.
3.4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương
Trong phạm vi địa phương, việc thực hiện quản lý nhà nước về lao động thuộc do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp có quyền và trách nhiệm bảo đảm và thúc đẩy quan hệ lao động, thị trường lao động tại địa phương phát triển theo những định hướng mà Nhà nước đặt ra.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về thẩm quyền quản lý Nhà nước về lao động, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.